Tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cũng như hàng loạt các tin đồn đã từng khiến thị trường chứng khoán rúng động, bốc hơi tỷ USD trong một thời gian ngắn.
Thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung vừa bất ngờ có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng gần 2 năm qua với hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh. Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển giảm sàn sau khi có tin đồn cựu chủ tịch BIDV ông Trần Bắc Hà bị bắt.
Trong buổi chiều, mặc dù đã có những thông tin bác bỏ tin đồn nhưng cổ phiếu BIDV vẫn “trắng bên mua” và thị trường vẫn giảm mạnh. VN-Index chung cuộc giảm 17,91 điểm (2,26%) xuống 773,66 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm (1,19%) xuống 101,07 điểm.
Với mức vốn hóa khoảng 93 tỷ USD (hơn 90% trên HOSE), TTCK Việt Nam đã bốc hơi khoảng 1,8 tỷ USD.
Hàng loạt các cổ phiếu lớn như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), Ngân hàng Á Châu (ACB), Vinamilk (VNM), GAS, Petrolimex (PLX), Sabeco (SAB)… đều giảm điểm và tác động mạnh tới tâm lý của các nhà đầu tư.
Ông Trần Bắc Hà. |
Thị trường giảm điểm chủ yếu do tâm lý lo ngại biến động xảy ra khi mà giá nhiều cổ phiếu và chỉ số VN-Index đang ở đỉnh cao trong gần thập kỷ qua. Áp lực chốt lời nhanh đã kéo thị trường xuống nhanh chóng cho dù giới đầu tư đã quá quen với những biến động về tin đồn.
Trước đó, đầu năm 2013, ông Trần Bắc Hà cũng đã một lần bị đồn bị bắt. TTCK cùng ngày đã giảm chung khoảng 4%, bốc hơi khoảng 1,6 tỷ USD trên cả 2 sàn Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội.
Ở vào thời điểm đó, thị trường chứng khoán rối loạn. Các nhà đầu tư gọi điện khắp nơi hỏi thông tin và bán tháo cổ phiếu. Phần lớn các nhà đầu tư bán theo tâm lý đám đông, bán vì thấy thị trường giảm mạnh không hiểu chuyện gì sẽ đến.
Sự cố Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) hồi tháng 8/2012 đã TTCK chao đảo với 3 phiên giảm liên tiếp khiến thị trường bốc hơi 4 tỷ USD.
Trong vài năm gần đây, giới đầu tư cũng đã từng chứng kiến hàng loạt cổ phiếu ngân hàng gặp nạn tin đồn gắn với quá trình tái cấu trúc của hệ thống này như trường hợp ông Lê Hùng Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Đặng Văn Thành, Trầm Bê, ông Trần Phương Bình, ông Hồ Hùng Anh… Hầu hết các tin đồn sau đó được xác thực là không chính xác.
Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều ông chủ doanh nghiệp lớn như chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Chứng khoán Vndirect Phạm Minh Hương cũng dính tin đồn bị bắt,...
So với các lần sóng gió trước đây, các tin đồn không khiến thị trường rớt quá mạnh 4-5%/phiên. Thị trường không rơi vào tình trạng tháo chạy, NĐT “bấm lệnh bán bằng mọi giá”.
Tuy nhiên, áp lực bán tháo vẫn rất lớn. Thị trường chung vẫn đỏ lửa và với quy mô gần trăm tỷ USD như hiện nay, mỗi phiên túi tiền của các cổ đông cũng bốc hơi một vài tỷ USD.
Trên thực tế, vào thời điểm này, các cổ phiếu ngân hàng đã hấp dẫn trở lại. Nhiều ngân hàng đã tái cấu trúc tương đối thành công và nợ xấu không còn quá lớn. Sự trở lại của nhóm “cổ phiếu vua” một thời và sức cầu lớn của các nhà đầu tư ngoại đã giúp thị trường ổn định hơn.
Trong phiên hoảng loạn 9/8, lực cầu bắt đáy rất lớn. Thanh khoản trên thị trường tăng vọt từ tầm 300 triệu trong các phiên trước đó lên hơn 430 triệu đơn vị. Giá trị giao dịch cũng từ mức 4-5 ngàn tỷ đồng lên gần 6,4 ngàn tỷ đồng.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán vẫn đang diễn biến tích cực. Dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường là một yếu tố giúp các cổ phiếu duy trì được mức giá cao và có thể tăng tiếp.
Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng khoảng nửa tỷ USD cổ phiếu và khoảng 700 triệu USD trái phiếu. Dòng tiền này cùng với tín dụng mở room 18-20% có thể kéo VN-Index lên đỉnh mới.
H. Tú