Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng Internet và mạng xã hội. Hiện nước ta có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 73% dân số. Trong đó có 7% thuộc độ tuổi từ 13 đến 17 và gần 10% thuộc độ tuổi từ 18 đến 24.

Mới đây, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) tổ chức hội thảo với chủ đề: "Mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam".

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ, đưa ra các khuyến nghị và hành động cụ thể để bảo vệ, nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên Việt Nam.

Ảnh chụp Màn hình 2024 10 11 lúc 09.25.12.png
Cần trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng xã hội.

Thạc sĩ Cao Hoàng Nam, đại diện Sáng kiến Z&Alpha cho hay, mô hình kinh doanh của mạng xã hội là dựa trên việc tối đa hóa thời gian mà người dùng nền tảng của mình, dùng càng lâu, tương tác càng nhiều thì doanh thu càng lớn. 

Mạng xã hội được thiết kế dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hoạt động của não bộ để duy trì và lôi cuốn người sử dụng; mạng xã hội thiết kế các thuật toán nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng bằng nhiều cách khác nhau nhưng không công bố các tính năng này. 

Đáng chú ý, mạng xã hội theo dõi, ghi lại hành vi của người dùng và sử dụng chính dữ liệu đó để tinh chỉnh và tăng cường các tính năng. Ngoài ra, mạng xã hội thiết kế các tính năng "like - thích", "thông báo" để liên tục thúc đẩy sự tham gia của người dùng; tính năng "cuộn vô hạn" và tự động phát video làm cho người dùng khó có thể thoát ra vì không có điểm kết thúc…

Mạng xã hội nhận thức được bộ não đang phát triển của người dùng trẻ dễ bị tổn thương, nhưng đang che giấu các báo cáo hại tới người sử dụng; cho phép trẻ em vị thành niên tham gia; thu thập dữ liệu của trẻ em (dưới 13 tuổi) mà không có sự đồng ý của cha mẹ. 

Theo ông Nam, một số đánh giá được đưa ra là các nền tảng truyền thông xã hội đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, gây hại cho sức khỏe và sự an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng cho hay, khoảng 81% số học sinh báo cáo rằng mạng xã hội giúp họ cảm thấy được kết nối hơn với bạn bè và thế giới xung quanh. Tuy nhiên, khi lạm dụng mạng xã hội, thanh, thiếu niên có thể gặp các tác động tiêu cực, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện Internet… Tỷ lệ tội phạm trên mạng gia tăng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại và một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân, muốn tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Cơ chế gây nghiện của mạng xã hội từ chính việc like, comment, nhắn tin… thanh, thiếu niên có dấu hiệu nghiện Internet có khả năng gặp phải các bệnh về thể chất lẫn tinh thần cao hơn những người không bị nghiện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội không chỉ để tiếp cận thông tin mà còn phải đi kèm với khả năng tự nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn. Mỗi người dùng, nhất là thanh, thiếu niên cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng mạng xã hội. Đây chính là chìa khóa giúp tận dụng triệt để những lợi ích mà không để ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp về chính sách hay kỹ thuật trong việc giúp người trẻ hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, nhất là về sức khỏe tâm thần… Đã đến lúc cần những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe của người trẻ khi tỷ lệ sử dụng Internet và mạng xã hội tại nước ta là khá cao.

Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng - PGS.TS Lê Minh Giang cho biết, hội thảo là bước đi đầu tiên cho các nghiên cứu toàn diện về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam. Từ đó, xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh, người dùng các giải pháp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên Việt Nam trong kỷ nguyên số.