- “Tôi biết chắc chắn rằng mình đang làm những điều tốt cho xã hội vừa già cỗi lại đang vận động với những trạng thái đạo đức giả luôn cảnh giác với bất kì điều gì. Trong xã hội, có người phải nịnh họ mới làm, có người phải khích tướng họ mới chịu thay đổi”, Trang Hạ chia sẻ.

Trước những phản ứng dữ dội của dư luận về cách ví von đàn ông và con lợn, VietNamNet đã liên hệ với chủ nhân của phép so sánh này – nữ nhà văn cá tính Trang Hạ.

“Tôi uống cà phê và mỉm cười trước những tranh luận”

Trang Hạ cho biết, phát ngôn “Đàn ông về nhà chỉ có ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn” của chị nằm trong bài phỏng vấn được thực hiện cách đây 3 năm. Chị rất bất ngờ khi bài viết này xuất hiện và làm nóng trở lại bởi 3 năm trước chị cũng đã nhận được rất nhiều phản hồi từ độc giả.

{keywords}
Nhà văn Trang Hạ.

Bài viết nằm trong gói truyền thông (với hơn 40 bài viết) nhằm kêu gọi đàn ông Việt Nam chung tay giúp vợ/mẹ/người bạn đời chia sẻ gánh nặng việc nhà như dọn dẹp, lau chùi, rửa bát... cho người phụ nữ một không gian sống tốt hơn. Giúp phụ nữ nhìn nhận lại mình trong xã hội, người đàn ông cũng nhìn nhận lại vị trí và vai trò của mình trong gia đình nói riêng, xã hội nói chung. Tất cả những phản ứng của dự luận đều năm trong dự liệu của chị nên dù dư luận “nổi sóng” chị vẫn bình thản đón nhận.

“Tôi bình tâm đón nhận những "sóng" dư luận đó, 3 năm trước cũng thế và bây giờ vẫn không thay đổi, mình vẫn ngồi uống cà phê với bạn và mỉm cười trước những tranh luận. Tôi không phải là một người chỉ “tức cảnh sinh tình” với những áng văn, những câu truyện được tập hợp thành sách, tôi còn là 1 người làm truyền thông”.

Ngay cả những lời phản bác gay gắt hay chửi bới, Trang Hạ cũng rất bình tĩnh bởi với nữ nhà văn này “thành công không xây dựng trên lời khen của những người khác”.

Trang Hạ cho biết, đây không phải lần đầu chị nhận “gạch đá” từ dư luận mà năm 2008, 2009 chị bị “ném đá” dữ dội hơn với những phát ngôn ủng hộ phụ nữ làm mẹ đơn thân. Có những người bạn từ thời học phổ thông còn lên mạng hoặc gặp trực tiếp để lên án chị là đã đưa ra chiến dịch truyền thông single mom làm “hư hỏng” xã hội này.

“Nhưng sau đó có rất nhiều người phụ nữ tự tin họ chia sẻ quan điểm về người phụ nữ làm mẹ 1 mình. Và cho tới nay, quan điểm về làm mẹ đơn thân cũng thay đổi nhiều với những suy nghĩ văn minh hơn. Tôi tự hào vì đã góp một phần xây dựng xã hội văn minh ấy. Tôi rất khao khát được sống trong 1 xã hội văn minh và muốn tự tay góp phần xây dựng xã hội như thế”, Trang Hạ chia sẻ.

Phải khích tướng mới chịu thay đổi!

Trang Hạ cho biết, bài viết của chị nhắm tới nhóm đối tượng chiều đi uống bia bỏ mặc vợ ngập mặt trong một đống việc nhà. Nếu bạn không phải người như thế, bạn sẽ không bận tâm. Còn nếu bạn đúng là người đàn ông vô tâm ích kỷ, lười biếng, sẵn sàng ngồi uống bia trong lúc vợ đang vất vả, thì bài báo đó đương nhiên bạn hiểu là cầm cổ áo nhấc bạn lên và lúc đó bạn phản ứng như thế nào.

“Nếu chồng bạn thấy bị đụng chạm đồng nghĩa với việc anh ấy đã từng về nhà chỉ để vợ tắm cho, vợ cho ăn thậm chí chỉ để ngủ cùng vợ mà không để tâm đến những nỗi vất vả của người phụ nữ. Nếu người đàn ông nào đã từng trải qua thời điểm như thế hoặc bạn đọc sản phẩm truyền thông này bạn sẽ cảm thấy như bị ai đó “đấm” mình.

Còn với những người điềm tĩnh, tử tế hoặc có thể họ không rửa bát cho vợ nhưng họ cũng dành ra 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để làm những việc xã hội, để chi tiêu cho gia đình thì họ không cảm thấy ngại. Họ sẽ không phải là những đối tượng bị nhắc trong phát ngôn này của Trang Hạ vì họ biết, giá trị của họ đang ở đâu”, chị chia sẻ.

Trang Hạ khẳng định, chị biết chắc chắn rằng mình đang làm những điều tốt cho 1 xã hội vừa già cỗi lại đang vận động với những trạng thái đạo đức giả luôn cảnh giác với bất kì điều gì. Trong xã hội, có người phải nịnh họ mới làm, có người phải khích tướng họ mới chịu thay đổi.

“Bài này đã được thực hiện cách đây 3 năm, tuy nhiên, sau 3 năm nhìn lại vẫn thấy có rất nhiều người phản ứng thậm chí tự nhận mình là lợn. Hóa ra xã hội Việt Nam vẫn còn bao nhiêu đàn ông chưa trưởng thành”, nữ nhà văn chia sẻ.

Trang Hạ cho biết, chị không có định kiến gì với đàn ông mà chỉ định kiến với những người mãi không chịu trưởng thành, mãi không chịu nhìn nhận sự thật.

Chị cũng bật mí, trong gia đình chị thì tùy theo thời điểm, tùy theo mục tiêu của gia đình, thậm chí có khi còn tùy theo cả nghề nghiệp của vợ hoặc của chồng để thu xếp công việc nhà một cách hài hòa và hợp lý nhất.

{keywords}

“Nói một cách to tát thì hai người có sự phân công và thảo luận trong công việc nhà. Tuy nhiên, trên thực tế chúng tôi chưa bao giờ nói về chuyện ấy cả. Bởi một lý do rất đơn giản là mọi người nhìn thấy công việc thì sẽ tự giác làm. Các thành viên trong nhà không bao giờ hỏi tại sao nhà bừa bộn thế vì nếu nhìn thấy nhà cửa bừa bộn sẽ ngay lập tức cầm chổi quyét dọn cho gọn gàng. Gia đình tôi làm mọi thứ dựa trên cảm giác và đó là thứ sẽ làm cho cuộc sống trở nên tuyệt vời nhất”, chị chia sẻ.

Trang Hạ cho biết, chị chuẩn bị tái bản cuốn sách “Đàn bà 30”, trong đó cũng có nhiều trang viết nhằm kêu gọi đàn ông san sẻ việc nhà với bạn đời để cả hai cùng có cuộc sống hạnh phúc.

Kim Minh