Triệu phú người Mỹ Bryan Johnson trở nên nổi tiếng khi mong muốn sống thọ, trẻ hóa cực đoan với vô số cuộc thử nghiệm, chế độ ăn uống khắc nghiệt và hàng chục loại thực phẩm bổ sung.
Trước đó, nhiều nhà khoa học cũng chung khao khát như vậy nhưng có các thử nghiệm an toàn hơn. Giáo sư Valter Longo - Giám đốc Viện Tuổi thọ USC ở California (Mỹ) - cho biết ông muốn sống khỏe mạnh từ 120 đến 130 năm. Đây cũng là ước nguyện của hầu hết mọi người: kéo dài số năm sống không bệnh tật chứ không chỉ là những năm đã sống.
Lối sống của người Italy từ lâu được coi là tiêu chuẩn vàng cho tuổi thọ, tập trung vào chế độ ăn Địa Trung Hải, thói quen đi bộ và gắn kết cộng đồng. Đảo Sardinia của Italy là một trong những vùng trường thọ - nơi người dân sống lâu và khỏe mạnh. Chuyên gia Dan Buettner từng đề cập tới những kinh nghiệm của người dân trên đảo trong loạt phim Sống đến 100 tuổi.
Tuy nhiên, Giáo sư Longo, người sinh ra và lớn lên ở Italy, chỉ ra rằng ngày nay, "hầu như không ai ở Italy áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải".
Giới trẻ nước này đang phải đối mặt với tình trạng béo phì do một số loại thực phẩm không tốt. Trong đó có pizza, pasta (mì), protein. Ông Longo lo ngại người Italy sẽ sống lâu nhưng không khỏe mạnh nếu thói quen ăn uống này tiếp tục thống trị nền văn hóa ẩm thực.
Theo Eatthis, cả pizza và pasta đều là thực phẩm chứa nhiều calo. Pizza, đặc biệt là loại đế dày cùng phô mai và thịt, chứa lượng lớn calo, chất béo và carbohydrate tinh chế. Tương tự, pasta làm từ bột mì tinh luyện cũng có hàm lượng carbohydrate và calo cao. Việc tiêu thụ quá mức các món ăn này có thể dẫn đến dư thừa calo, gây tăng cân và béo phì.
Một số loại pizza có hàm lượng natri cao do bổ sung thịt chế biến, phô mai và sốt. Tiêu thụ quá nhiều natri liên quan đến tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Trong khi đó, pasta thường ít natri nhưng các loại sốt hoặc phô mai đi kèm có thể làm tăng hàm lượng natri.
Protein có nhiều trong các loại thịt, cá, trứng, sữa, đậu. Mặc dù protein rất quan trọng cho nhiều chức năng của cơ thể, nhưng việc tiêu thụ quá mức tạo áp lực lên thận vì phải lọc các sản phẩm thải từ quá trình chuyển hóa. Một số hậu quả bao gồm khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy, về lâu dài tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, xương khớp, ung thư.
Giáo sư Longo, tác giả của Chế độ ăn Trường thọ (The Longevity Diet) là người ủng hộ chế độ ăn Địa Trung Hải, bao gồm các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Ông chia sẻ công thức nấu ăn riêng để sống lâu trên trang web của mình.
Ông cũng ca ngợi chế độ ăn ít carbohydrate, ít protein và nhiều axit béo. "Cách ăn uống như vậy cho phép cơ thể tối ưu hóa hiệu suất, trẻ hóa các tế bào", vị chuyên gia bày tỏ.