Các tỉnh miền Tây đang ở thời điểm mùa nước lũ. Huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) là khu vực biên giới, giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia, phân cách nhau bởi sông Sở Thượng (Preak Kaoh Sampŏu). Khoảng thời gian này nước dâng lên ngập trắng những cánh đồng.

Những ngày nghỉ học, trẻ em miền Tây ở nhà, theo bố mẹ ra cánh đồng làm việc hoặc rủ nhau vui đùa trên những cánh đồng nước lũ. 

16h, đám trẻ trong ấp Bình Họa Hạ (Hồng Ngự) kéo nhau ra cánh đồng để tắm lũ với đủ những trò nhào lộn, đùa nghịch.

Vào mùa khô, đây là khu vực cánh đồng trồng lúa. Khi lũ về, cánh đồng mênh mông nước khiến nhiều nơi ngập cao quá đầu, người dân bắt đầu đánh bắt cá, tôm, những sản vật mà chỉ riêng vùng sông nước được thiên nhiên ưu ái.

Sống ven sông nước, đám trẻ quen với việc bơi lội từ nhỏ và thỏa thích vui đùa trong làn nước dâng cao.

Thời tiết miền Tây những ngày này nắng nóng, tắm lũ cũng là cách các em giải nhiệt.

Những ngày trong tuần đi học, đám trẻ ít có thời gian nô đùa, thường tập trung vui đùa vào những ngày nghỉ.

Những vùng nước nông, các em mang cả xe đạp xuống để đùa nghịch. Phía sau lưng chúng là cánh đồng mênh mông nước, nơi mà cha mẹ, người lớn trong vùng hàng ngày đi đánh bắt cá mưu sinh.

Liễu (14 tuổi) được các bạn trong xóm rủ đi tắm lũ buổi chiều thứ bảy. "Chiều nay được nghỉ học nên bọn em đi chơi sớm. Tới khi mặt trời lặn mới về nhà", cô bé nói. Giống như nhiều bạn khác, Liễu biết bơi từ nhỏ, không cần bố mẹ dạy bơi. Trẻ em miền Tây vốn tự đi nghịch nước rồi chỉ nhau cách ngụp lặn, bơi lội.

Không có nhiều trò giải trí như trẻ em thành phố, trẻ em miền Tây thường vui chơi quanh vườn hoặc ra cánh đồng mùa này.

Kim Yến (lớp 5) tự vui chơi ở nhà và trông em nhỏ trong khi bố mẹ đi làm công ty, ông bà em thì ra cánh đồng đánh bắt cá.

Gần 1.200 hộ dân trong ấp Bình Họa Hạ có đến 50% người dân theo kinh tế nông nghiệp, sống bám trụ vào mùa nước lũ. Tuy nhiên khi kinh tế ngày một phát triển, phần lớn đám trẻ trong vùng đến tuổi trưởng thành sẽ đi làm công ty hoặc tìm việc làm trong các thành phố lớn, việc mưu sinh trên cánh đồng giảm dần.