Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo tờ trình và báo cáo của Bộ Công Thương.

Ưu tiên điện tại tạo để giảm phát thải

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Sau khi họp với các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan, Thường trực Chính phủ kết luận kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là nội dung khó, được nhiều cấp, ngành, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, có nhiều ý kiến tham gia trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhằm có Kế hoạch tổng thể nhất, khả thi và hiệu quả nhất với mục tiêu là phải bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.

Thường trực Chính phủ thống nhất chủ trương việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo đề nghị của Bộ Công Thương. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương rà soát các nội dung của Kế hoạch bảo đảm phù hợp với Quy hoạch điện VIII và các quy định hiện hành của luật pháp. 

W-dien-gio-2-1.jpg
Quy hoạch điện VIII phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Ảnh: Hoàng Hà

Sau khi Kế hoạch được phê duyệt, Bộ Công Thương cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương hoàn thành đầy đủ danh mục các dự án để bảo đảm triển khai đồng bộ các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII trong 30 ngày kể từ khi ban hành Kế hoạch này.

"Bộ Công Thương tập trung cao nhất, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhanh các thủ tục theo quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định ban hành: cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, trình Chính phủ trong tháng 5/2024; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác thải", Chính phủ yêu cầu.

Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương rà soát về phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, sản xuất hydrogen, ammoniac xanh, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển trong Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt; trường hợp kết nối lưới phục vụ mua bán điện trực tiếp, tiêu dùng thì cần bảo đảm đồng bộ truyền tải và điện chạy nền.

Trong đó, nghiên cứu kỹ chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về việc bổ sung trong Kế hoạch nội dung giao PVN triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi; nghiên cứu phát triển điện mặt trời tập trung tại các hồ chứa thủy điện để vừa đảm bảo tạo nguồn điện nền, vừa tận dụng đường truyền tải sẵn có; nghiên cứu mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu, thủy điện trên các hồ chứa thủy lợi, điện mặt trời áp mái.

Cần có dự báo nhu cầu điện của các vùng có phụ tải cao, có nguy cơ thiếu điện khu vực miền Bắc để đưa ra cơ chế, chính sách, giải pháp, dự án cụ thể để phát triển đồng bộ kịp thời không được để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống. 

Ưu tiên phát triển điện rác thân thiện môi trường; điện sinh khối, gắn với hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo trung hòa CO2. 
Ngoài ra, nêu rõ kế hoạch về sản lượng, lộ trình, kể cả kế hoạch xây dựng đường dây truyền tải nhập khẩu điện từ Lào và khẩn trương ban hành giá nhập khẩu điện. 

w dien luc 1 436.jpg
Bổ sung giải pháp và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo đảm không thiếu điện trong mọi tình huống. Ảnh: Lương Bằng

Làm rõ lý do chưa có danh mục điện tái tạo 

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải bổ sung giải pháp và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo đảm không thiếu điện trong mọi tình huống. Bổ sung thời hạn cụ thể ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, điện gió, điện khí, điện sinh khối, điện rác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được yêu cầu tập trung mọi nguồn lực để triển khai công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) bảo đảm tiến độ theo kế hoạch (tháng 6/2024 phải xong).

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan liên quan chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thống trước khi ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, làm rõ với các địa phương về lý do chưa có danh mục các dự án năng lượng tái tạo được phê duyệt lần này, đồng thời tiếp tục phối hợp với các địa phương để hoàn thiện danh mục các dự án theo mục tiêu của Quy hoạch điện VIII đề ra.

Bởi vì Kế hoạch này còn thiếu danh mục dự án cho các phần công suất đã quy hoạch như báo cáo (khoảng 7.772 MW điện gió trên bờ, 6.000 MW điện gió ngoài khơi, 1.405 MW thủy điện nhỏ, 467 MW điện sinh khối, 750 MW điện tử rác thải, 1.500 MW điện mặt trời tập trung...)

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2, Tổng công ty Phát điện 3 tập trung triển khai các dự án và các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia tập trung mọi nguồn lực để triển khai công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) bảo đảm tiến độ theo kế hoạch (tháng 6 năm 2024 phải xong).