Triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh tuyến tiền liệt là bệnh lý rất thường gặp ở các phòng khám bệnh lý thận niệu, lão khoa, nội khoa. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn chức năng đường tiểu dưới của nam giới ngoài 50 tuổi. 

BSCK1 Phó Minh Tín - phụ trách khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM - cho biết đa số nam giới sau tuổi 40 sẽ tăng sinh tuyến tiền liệt và thường là lành tính. Có nhiều bệnh gây ra triệu chứng đường tiểu dưới như viêm bàng quang, sỏi bàng quang, hẹp niệu đạo, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang… 

Về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, BS Tín cho biết tuổi càng cao thì khả năng mắc bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt càng nhiều. 40% bệnh nhân ở tuổi 40 mắc bệnh, mỗi 10 năm tỷ lệ này tăng lên 10%. Tiền căn gia đình (cha hoặc anh em trai bị bệnh), béo phì, đái tháo đường, ít vận động thể lực cũng là yếu tố nguy cơ.

Triệu chứng của đường tiểu dưới thường được chia thành 2 nhóm. Trong đó, triệu chứng "đổ đầy" (kích thích) bao gồm: Tiểu gấp, tiểu không kiểm soát, tiểu nhiều lần ban ngày, tiểu đêm, tiểu nhỏ giọt sau khi tiểu xong... Còn triệu chứng tống xuất (bế tắc) bao gồm: Tiểu ngập ngừng, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, tiểu khó phải rặn tiểu.

Tuỳ theo mức độ nhẹ - trung bình - nặng của bệnh với từng bệnh nhân mà bác sĩ có cách điều trị khác nhau. Ở mức độ nhẹ, không ảnh hưởng chất lượng sống, bệnh nhân chỉ cần theo dõi, đánh giá sự thay đổi của triệu chứng từ 3-6 tháng. Khi ở mức độ trung bình hoặc nặng, phải can thiệp bằng thuốc. Khi dùng thuốc không hiệu quả hoặc có biến chứng thì nên phẫu thuật ngay. BSCK1 Phó Minh Tín - phụ trách khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM 

Triệu chứng đường tiểu dưới ảnh hưởng ra sao tới 'chuyện ấy'?

Tại cuộc hội chẩn chuyên môn trực tuyến mới đây, TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra các triệu chứng đường tiểu dưới làm gia tăng rối loạn cương dương ảnh hưởng tần suất hoạt động tình dục của đàn ông từ sau tuổi 50. 

Nghiên cứu trên 8.000 bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt tại 500 đơn vị lâm sàng ở Đức cho thấy, 63% quý ông có rối loạn cương dương. Tỷ lệ rối loạn tăng dần theo mức độ bệnh. Hơn một nửa người có triệu chứng nhẹ có rối loạn cương, tăng lên 62% và 71% ở người có triệu chứng trung bình và nặng. 

Một nghiên cứu khác điều tra trên cộng đồng với cỡ mẫu gần 13.000 nam giới cũng cho kết quả gần như tương đương. Trong đó, 82% người có triệu chứng đường tiểu dưới ở mức độ nặng có rối loạn cương trong khi với người mức độ nhẹ, tỷ lệ này là 43%.

Triệu chứng đường tiểu dưới làm gia tăng rối loạn cương dương và ảnh hưởng tần suất hoạt động tình dục của đàn ông từ sau tuổi 50.  TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học - Y học giới tính Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Chuyên gia nam học Nguyễn Hoài Bắc cũng dẫn ra một nghiên cứu trên 12.000 nam giới cho thấy ảnh hưởng của triệu chứng đường tiểu dưới với tần suất hoạt động tình dục. Theo đó, bình thường đàn ông ngoài 50 có tần suất 8,6 lần/tháng, tuy nhiên ở những người có triệu chứng đường tiểu dưới, mức độ nhẹ giảm về 7,6 lần; mức trung bình là 6,6 lần, thậm chí còn gần 5 lần/tháng với người có triệu chứng nặng.

Không lãng quên nhu cầu tình dục của quý ông sau tuổi 50 

Nhiều yếu tố nguy cơ giữa rối loạn hoạt động tình dục và triệu chứng đường tiểu dưới, trong đó có lối sống thiếu lành mạnh; bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hoá, thừa cân béo phì; hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu…

Theo TS Bắc, sức khoẻ, trong đó có vấn đề triệu chứng đường tiểu dưới, là rào cản trong "chuyện ấy" với nam giới ngoài 50 tuổi, trong khi nhu cầu tình dục của họ vẫn còn, thậm chí với nhiều người là thiết yếu.

Ông dẫn nghiên cứu ở 6 nước châu Âu và Mỹ thực hiện trên 14.000 người đàn ông cho thấy 83% nam giới từ 50 tuổi trở lên vẫn có hoạt động tình dục; trong đó 71% hoạt động ít nhất 1 lần/tháng. 

Trong nghiên cứu này, tần suất hoạt động tình dục trung bình của nam giới từ 50 tuổi trở lên là 5,9 lần/tháng. Con số này tương đương với bệnh nhân đến khám tại khoa Nam học Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (5,7 lần/tháng).