Theo AP, sự đam mê của binh sĩ trẻ với các trò chơi trực tuyến và những nguy cơ từ vấn đề này đã được chú ý trở lại sau vụ rò rỉ tài liệu mật gây chấn động Lầu Năm Góc. Người tiết lộ các tài liệu này là Jack Teixeira (21 tuổi) - thành viên lực lượng Vệ binh Không quân bang Massachusetts. Anh này bị buộc tội đăng tải trái phép tài liệu mật lên mạng xã hội Discord.

Trên thực tế, tin tình báo và bí mật quân sự có thể bị rò rỉ thông qua nhiều phương thức, từ truyền miệng tới chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy vậy, các diễn đàn trò chơi trực tuyến đang trở thành mối lo ngại đặc biệt với quân đội Mỹ, bởi sức hút quá lớn của các trò chơi này.

Trò chơi trực tuyến gây ra nguy cơ rò rỉ thông tin. Ảnh: AP

"Mạng xã hội và trò chơi trực tuyến đã trở thành phương thức gián điệp được chú ý trong vòng 10 năm trở lại đây. Các điệp viên nước ngoài rất dễ kết nối với các binh sĩ từ 18-23 tuổi ở bất kỳ căn cứ nào. Sau khi chiếm được lòng tin của các quân nhân trẻ, họ bắt đầu kết nối sâu hơn thông qua các mạng xã hội cá nhân", ông Dan Meyer - chuyên gia của hãng luật Tully Rinckey cho biết.

Với những hạn chế về quyền hạn giám sát công dân trên lãnh thổ Mỹ, ngay cả với các thành viên thuộc lực lượng vũ trang, Lầu Năm Góc đang gặp nhiều khó khăn để ngăn chặn tình trạng rò rỉ thông tin thông qua các trò chơi trực tuyến.

"Những trò chơi trực tuyến với chủ đề chiến tranh và khí tài quân sự là miền đất hứa cho các hoạt động gián điệp. Ngoài hạn chế về luật pháp liên quan đến việc giám sát, số lượng diễn đàn và các nhóm trò chuyện quá lớn cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc quản lý", ông Peter W. Singer - cố vấn của Lầu Năm Góc nói.

Xe tăng Challenger 2 trong trò chơi War Thunder. Ảnh: GE

Do không có biện pháp thiết thực để kiểm soát thông tin được chia sẻ hàng ngày thông qua các diễn đàn trò chơi trực tuyến, nên quân đội Mỹ đã tập trung vào việc huấn luyện các binh sĩ không tiết lộ thông tin mật.

Sau vụ việc của Jack Teixeira, Lầu Năm Góc đang xem xét cắt giảm quyền hạn tiếp cận thông tin ở một số mức độ. Đồng thời, yêu cầu các chỉ huy thường xuyên nhắc nhở cấp dưới rằng "nghĩa vụ bảo vệ thông tin mật là trách nhiệm trọn đời với một quân nhân".

Không chỉ với quân đội Mỹ, trò chơi trực tuyến đã gây ra rất nhiều vấn đề về an ninh quốc phòng trên thế giới. Vào tháng 7/2021, từ một cuộc tranh luận bình thường, hai cựu thành viên của quân đội Anh đã đăng tải thông số kỹ thuật chi tiết của xe tăng Challenger 2 lên diễn đàn của trò chơi War Thunder.

Tới tháng 12/2022, sự việc tương tự tái diễn, lần này là với xe tăng Leclerc của Pháp. Tại Trung Quốc, thông tin về đạn chống tăng DTC10-125 cũng từng bị rò rỉ thông qua trò chơi War Thunder.