Trung Quốc có thể mắc phải cái bẫy của Nhật Bản trước đây – nhưng có lẽ sẽ không bao giờ thoát ra được. Trung Quốc sẽ vẫn là một quốc gia nghèo.
Theo một số tính toán, ví dụ như dựa vào phương pháp ngang giá sức mua (PPP) thì Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. 1 USD sẽ có sức mua tương đương trên 3 Nhân Dân Tệ thay vì là 1 USD đổi tương đương 6,5 Nhân Dân Tệ theo tỷ giá trên thị trường ngoại hối quốc tế như hiện nay và theo đó GDP của Trung Quốc tính theo PPP sẽ là khoảng 18,9 nghìn tỷ USD, nhiều hơn 18,1 nghìn tỷ USD của Mỹ.
Tuy nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm từ trên 10% xuống còn 8% vào năm 2012 và hiện vẫn đang tiếp tục chậm lại với dự báo tăng trưởng 7% trong năm nay 2015.
Vậy sau khi trải qua giai đoạn khó khăn này thì kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng bao nhiêu trước khi kinh tế nước này chính thức ổn định vào một tốc độ tăng trưởng vừa phải, tới điểm mà các nền kinh tế phát triển cuối cùng sẽ đạt tới?
Điều đó đặt ra một câu hỏi lớn về sự giàu có, thịnh vượng mà kinh tế Trung Quốc sẽ đạt tới – chúng sẽ như thế nào so với các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức hay Mỹ.
Những quốc gia giàu có này nắm giữ hầu hết những thành tựu khoa học, công nghệ mới nhất của thế giới – hay có thể nói họ đã đạt tới ngưỡng/biên giới công nghệ mà thuật ngữ quốc tế hay gọi là Technological Frontier. Khi đạt tới ngưỡng này, các nền kinh tế gần như cạn kiệt những nguồn lực giá rẻ phục vụ cho việc tạo ra những đợt tăng trưởng thần kỳ. Họ không thể tận dụng những nguồn công nghệ mới như những nước kém phát triển hơn vì đã tận dụng gần như tất cả những công nghệ mới nhất phục vụ phát triển.
Nhưng không phải tất cả các nước phát triển đều giống nhau. Thậm chí giữa những nước giàu có và đang tăng trưởng chậm vẫn tồn tại những chênh lệch lớn trong mức sống của người dân. Ví dụ như Hàn Quốc, Pháp, Đức và Anh, có mức tăng trưởng trên GDP chỉ bằng 75% hoặc 85% so với Mỹ.
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng mức chênh lệch này xuất phát từ những khác biệt trong các quy định, luật, chính sách mà những nước này dùng trong việc điều hành nền kinh tế. Ví dụ, những quy định kiếm soát kinh doanh quá chặt chẽ ở châu Âu hay sự thiếu cải cách trong điều hành với các công ty làm ăn kém hiệu quả tại khu vực Đông Nam Á thường được cho là những lý do kéo tăng trưởng kinh tế của các khu vực này thụt lùi so với kinh tế Mỹ.
Quay trở lại với kinh tế Trung Quốc. Những nhà làm chính sách của nước này đang điều hành nền kinh tế hiệu quả ra sao?
Brad DeLong, nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế tại đại học Berkeley của Bang California, Mỹ đã đặt ra câu hỏi này trên tờ Huffingtonpost hôm 28/8. DeLong giả định rằng các nền móng, sự khởi đầu trong các chính sách của Trung Quốc về cơ bản là giống với những nền móng tại các nền kinh tế giàu có hàng xóm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng do cách điều hành chính phủ, cũng như hệ thống bảo vệ quyền sở hữu của Trung Quốc, hệ thống pháp luật, quy định của nước này không có được sự ưu việt và không tạo ra được những cơ hội phát triển như các nước này.
Vẫn có khả năng Trung Quốc đã phát minh ra một hệ thống hoàn toàn mới thậm chí tốt hơn hệ thống mà các nước thành công đã và đang sử dụng trong nhiều thế kỷ qua. Nhưng đó là một cơ hội khá mong manh. Hầu hết các dự báo đều cho rằng hệ thống các luật lệ, chính sách, quy định “kỳ lạ” của Trung Quốc sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế nước này.
Cân nhắc những yếu tố này, DeLong đã đi đến một kết luận rằng Trung Quốc chỉ còn lại có 5 năm tăng trưởng nhanh nữa. Do GDP bình quân đầu người của Trung Quốc bây giờ chỉ bằng khoảng 1/4 so với mức của Mỹ, và với 5 năm tiếp theo Trung Quốc tăng trưởng 7%/năm và Mỹ tăng trưởng 2%/năm, Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách 1/3 khoảng cách với Mỹ.
Ngoài các yếu tố trên chúng ta cần tính thêm vào cả các yếu tố “tích tụ kinh tế”. Sự tích tụ kinh tế này nghĩa là các công ty sẽ hướng tới đầu tư vào những nơi có thị trường lớn, và người lao động sẽ hướng tới những nơi họ có nhiều cơ hội việc làm. Hiệu ứng này sẽ càng làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng kinh tế giữa các vùng của Trung Quốc. Quyền sở hữu trí tuệ nghèo nàn, cùng quy mô nền kinh tế lớn, cùng sự giới hạn các nguồn lực có thể cản trở nền kinh tế nước này. Do đó những dự đoán về Trung Quốc có vẻ đã quá lạc quan.
Đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nền tảng chính sách của Trung Quốc đang kéo chậm lại kinh tế của chính họ. Với TTCK khủng hoảng và bất động sản ở trong bong bóng, các công ty yếu kém của Trung Quốc đang bắt đầu lộ diện và chính điều này khiến người ta liên tưởng tới cái bẫy mà Nhật Bản đã gặp phải.
Ở Nhật Bản trong quá khứ cũng như ở Trung Quốc hiện nay, hệ thống ngân hàng đang bị mắc kẹt vì phải cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Vòng luẩn quẩn diễn ra khi Chính phủ không đủ can đảm để mặc các doanh nghiệp và ngân hàng này phá sản. Đây chính là cái bẫy mà Nhật Bản mắc phải sau khi bong bóng bất động sản nổ vỡ vào đầu những năm 1990. Nhật Bản đã mất hơn một thập kỷ “dùng giằng” trong trì trệ, trước khi thủ tướng Junichiro Koizumi buộc các ngân hàng phải cắt bỏ hầu hết các khoản vay kém hiệu quả.
Nhưng khi Nhật Bản bị tấn công bởi những “ung nhọt” này, thu nhập GDP đầu người của họ đã ở mức khá cao so với Trung Quốc hiện nay. Nói cách khác Trung Quốc, đang gặp phải vấn đề “nền tảng” (chính sách, luật pháp, quy định…) như của Nhật Bản những năm 1990 nhưng lại chỉ đang ở mức phát triển chậm hơn nhiều – do đó nguồn lực của họ cũng yếu hơn nhiều.
Đó là chỉ là một trong cảnh báo sớm ban đầu mà nhà nghiên cứu DeLong và các nhà kinh tế khác có lẽ đúng về Trung Quốc. Trung Quốc đang ở mức quá thấp so với các quốc gia phát triển khác khi chuẩn bị bước vào thời kỳ không còn đột phá trong tăng trưởng.
(Theo Trí thức trẻ)