Không còn duy trì chính sách hạt nhân thận trọng như nhiều thập niên trước, Trung Quốc hiện đã bắt đầu tiến trình nâng cấp tên lửa đạn đạo thành vũ khí nguy hiểm hơn.
Tạm dừng chính sách duy trì một lực lượng hạt nhân nhỏ vốn đã tồn tại từ lâu, Bắc Kinh đã bắt đầu đặt nhiều đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên đỉnh của các tên lửa đạn đạo, báo New York Times trích báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Các tên lửa có nhiều đầu đạn sẽ khó ngăn chặn hơn, vì mỗi đầu đạn có thể tách khỏi vật phóng và nhắm tới các mục tiêu riêng rẽ.
Trung Quốc đã có khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân ít nhất là từ những năm 1990, song nước này tránh tiến xa hơn, để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang có thể xảy ra.
Tuy nhiên, hướng đi mới của Bắc Kinh trong vấn đề vũ khí hạt nhân đã diễn ra theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã có một loạt động thái quyết đoán nhằm tăng cường sức mạnh của Trung Quốc ở cả trong lẫn ngoài nước.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Bắc Kinh đã thiết kế lại DF-5, một biến thể của tên lửa đạn đạo liên lục địa CSS-4, được trang bị nhiều đầu đạn. Trung Quốc hiện có khoảng 20 DF-5 đang chứa trong những hầm dưới mặt đất ở khắp nước, mỗi tên lửa đều có thể bắn trúng các mục tiêu ở khắp Mỹ.
Tên lửa DF-5 đã cải tiến, cùng lúc có thể phóng 40 đầu đạn ở Bắc Mỹ, báo cho hay. Việc cải tiến tên lửa là nhằm tối đa hóa khả năng hủy diệt trong khi vẫn tăng cường khả năng đầu đạn của Trung Quốc có thể bay qua tên lửa đánh chặn của Mỹ.
- Hoài Linh