Giải thưởng với tầm nhìn “vượt lên những khuôn khổ thông thường”
Lần đầu biết đến VinFuture qua sự giới thiệu của GS. Nguyễn Thục Quyên - Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, GS. Antonio Facchetti (Khoa Hóa học tại Đại học Northwestern - Mỹ, đồng thời là Giám đốc Công nghệ tại Flexterra) không khỏi ấn tượng trước sứ mệnh, những tiêu chí đánh giá của giải thưởng này.
“Sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture thật đáng khen ngợi. Tôi có cơ hội tham gia lễ trao giải mùa đầu tiên và thấy vô cùng ấn tượng trước cách vận hành, cũng như việc các hội đồng đã chọn ra người chiến thắng xứng đáng. Điều tuyệt vời hơn nữa chính là những chủ nhân Giải thưởng Chính của năm đó cũng vừa được vinh danh với giải Nobel”, ông nói.
GS. Kazunari Domen (Đại học Tokyo, Nhật Bản, một trong những “đại thụ” trong lĩnh vực xúc tác nói chung và quang xúc tác nói riêng) cũng đánh giá cao sứ mệnh rõ ràng, độc đáo của Giải thưởng VinFuture: Khoa học phụng sự nhân loại. Theo ông, kim chỉ nam này chính là một trong những điều tạo nên sự khác biệt và dấu ấn cho VinFuture dù tuổi đời giải thưởng còn “non trẻ”.
“Giải thưởng VinFuture mang tầm nhìn thoát ra khỏi những định kiến, khuôn khổ thông thường, hướng tới tất cả các nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học từ các quốc gia đang phát triển và các nhà khoa học nữ”, ông cho biết.
Vị giáo sư từ Tokyo còn chỉ ra rằng, với “lăng kính chưa từng có tiền lệ”, Giải thưởng VinFuture nhìn ra tiềm năng về những tác động tích cực từ các nhà khoa học, cho dù họ là ai và đến từ đâu. Đây là điều VinFuture đã làm tốt.
Chia sẻ quan điểm về các hạng mục cùng tiêu chí đánh giá của VinFuture, GS. Stuart Licht (Đại học George Washington, Mỹ, chuyên gia đầu ngành về giải pháp thu hồi carbon từ không khí) nhấn mạnh sự văn minh của giải thưởng khi tôn vinh các nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển. Đây vốn là những người bị coi là “phái yếu” hoặc “ít có tiếng nói” trong giới nghiên cứu.
“VinFuture là một giải thưởng không định kiến khi cởi mở với việc vinh danh mọi nhà khoa học tài năng”, GS. Stuart Licht đánh giá.
Tán đồng với nhận định trên, GS. Henry Snaith (Phòng thí nghiệm Clarendon thuộc Đại học Oxford, Anh; ứng viên Nobel Vật lý năm 2017) tin rằng, VinFuture sẽ là đòn bẩy giúp những công trình nghiên cứu phát huy được tác dụng đến những nơi đang còn gặp khó khăn. Đồng thời, giải thưởng còn truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học trẻ theo đuổi sự nghiệp của mình.
“Có vô vàn vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến cuộc sống con người và việc tìm cách giải quyết chúng nên được coi là ưu tiên hàng đầu. Trọng tâm của Giải thưởng VinFuture là tìm kiếm và vinh danh các nhà khoa học đã hoặc đang giải quyết thành công những thách thức toàn cầu này. Đó là một hướng đi rất đúng đắn”, vị chuyên gia chia sẻ.
Dấu ấn nhà khoa học Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu
Không chỉ ấn tượng với sự trưởng thành nhanh chóng của VinFuture chỉ sau 3 năm hoạt động, các nhà khoa học hàng đầu thế giới còn nhấn mạnh cách giải thưởng này góp phần đưa nhà khoa học, sáng kiến của người Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.
Theo GS. Henry Snaith, những nỗ lực thúc đẩy nhận thức khoa học của VinFuture là một hành trình xuyên suốt, thể hiện qua từng hoạt động được đầu tư bài bản, công phu cả về quy mô và chiều sâu chuyên môn.
“Từ việc tổ chức các chuỗi hội thảo trực tuyến đến những buổi toạ đàm mang hàm lượng khoa học cao, VinFuture giúp định hình những thách thức mà thực tiễn đặt ra và từ đó tạo điều kiện trao đổi thường xuyên giữa các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng nghiên cứu hàng đầu thế giới”, GS. Snaith nói.
Cùng quan điểm, GS. Licht tin rằng Giải thưởng VinFuture với những tiêu chí đánh giá thực tế sẽ là cầu nối giữa những công trình nghiên cứu được ghi nhận trên toàn cầu với Việt Nam nói riêng, các nước đang phát triển nói chung. Đồng thời, hiệu ứng mà VinFuture tạo ra còn giúp nâng cao nhận thức và tạo được tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách trên toàn cầu.
“Đây là lần đầu tôi thấy một giải thưởng lớn với sứ mệnh và tầm nhìn lớn lao như VinFuture. VinFuture giúp thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam”, vị giáo sư từ Đại học George Washington bày tỏ.
Trong khi đó, GS. Domen cho rằng VinFuture đang khẳng định sứ mệnh cầu nối, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển. Ông tin tưởng một giải thưởng lớn như VinFuture sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho sự hợp tác quốc tế trong tương lai: “Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng phát triển và sẽ trở thành một đối tác chiến lược về cả kinh tế và khoa học công nghệ. Vì vậy, tôi tin rằng VinFuture sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mối liên kết nghiên cứu và hợp tác toàn cầu”.
Là thành viên của nhiều cộng đồng nghiên cứu lớn, GS. Facchetti nhận thấy giải thưởng khoa học công nghệ đầu tiên do người Việt khởi xướng giờ đây đã hiện diện ngày một đậm nét trong giới khoa học quốc tế. Hầu hết thành viên trong cộng đồng của ông đều không còn xa lạ với giải thưởng này.
“Quan trọng hơn, tôi tin quỹ và Giải thưởng VinFuture đang nỗ lực giúp Việt Nam sánh ngang với các quốc gia thường xuyên tổ chức các sự kiện tầm cỡ về khoa học và công nghệ như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Na Uy…”, GS. Facchetti khẳng định.
Thế Định