Trong bảng đăng ký thời khoá biểu của sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại mới đây, nếu học phòng máy lạnh các em phải đóng 200.000 đồng. Mỗi tín chỉ sinh viên phải đóng 10.000 đồng tiền máy lạnh.

Cụ thể, môn Tiếng Anh giao tiếp có 4 tín chỉ thì sinh viên phải đóng 40.000 đồng máy lạnh, môn Thủ tục hải quan có 3 tín chỉ thì phải đóng 30.000 đồng, môn Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu 3 tín chỉ thì đóng 30.000 đồng…

Việc này khiến một số sinh viên bức xúc vì cho rằng nhà trường tìm cách thu tiền. 

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại trong ngày tốt nghiệp (ảnh: website của trường)

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho hay đối với các trường công lập, tiêu chuẩn của phòng học là không có máy lạnh mà chỉ dùng quạt.

Trên thực tế, một số giảng viên và sinh viên muốn dạy và học ở trong phòng có máy lạnh vì đến mùa hè thời tiết rất nóng nực. Vì vậy, nhà trường đã chủ động lắp máy lạnh ở một số phòng học để phục vụ điều này.
 
Trong thời khoá biểu gửi sinh viên đăng ký môn học, nhà trường đánh dấu sao ở những phòng học có máy lạnh. Nếu đăng ký học phòng có máy lạnh thì sinh viên phải đóng thêm tiền.

Mỗi tín chỉ tương đương 15 tiết học đóng 10.000 đồng. Mỗi học kỳ có 20 tín chỉ, học trong thời gian 5 tháng, đóng 200.000 đồng.
 
Theo ông Minh, đây là một lựa chọn cho sinh viên chứ không phải trường tranh thủ lấy tiền của các em.

Sinh viên đăng ký học phòng có máy lạnh thì đóng tiền, còn không đăng ký thì học phòng bình thường có quạt.

Vì vậy, ý kiến cho rằng trường tìm cách thu tiền của sinh viên là không đúng. Mặt khác, việc trường muốn lắp máy lạnh phải hỏi ý kiến sinh viên là "rất kỳ cục".