Cụ thể, bằng nhiều hoạt động cụ thể thời gian qua các trường học đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng như học sinh vai trò của văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá học đường, từ đó tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, góp phần đào tạo những thế hệ trẻ có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Theo đó, từ nhiều năm nay, Trường Tiểu học Ái Mộ B (quận Long Biên, Hà Nội) đã đưa văn hoá “khoanh tay, mỉm cười, cúi chào” vào thực hành trong chương trình giáo dục cho học sinh. Các thầy cô giáo cùng thực hành văn hóa này và đồng thời giúp các em học sinh học tập để khi ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào những câu chào hỏi cũng sẽ giúp ích rất nhiều trên những chặng đường mà các em sẽ đi.
Thực tế, trong trường học, lời chào hỏi có ý nghĩa đặc biệt bởi đó là thể hiện cách sống có văn hóa; cách sống thân thiện, chan hòa, biết đồng cảm, chia sẻ cùng nhau…Ngày từ đầu năm học, thực hiện chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận Long Biên, Trường Tiểu học Ái Mộ B đã xây dựng và thực hiện văn hóa “Khoanh tay, mỉm cười, cúi chào.
Đây là cử chỉ nhỏ nhưng lời chào lại có ý nghĩa vô cùng lớn và rất được coi trọng. Nó không chỉ thể hiện lòng tôn sư trọng đạo, sự tôn trọng của mọi người dành cho nhau mà còn là một cách ứng xử vô cùng quan trọng mà các em cần phải học cho tương lai sau này.
Văn hóa học đường này được nhà trường được thực hiện bởi 100% cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh ở mọi lúc mọi nơi.
Lãnh đạo Trường Tiểu học Ái Mộ B cho biết, từ trước tới nay, nhà trường rất quan tâm tới văn hóa ứng xử của học sinh trong nhà trường. Mục tiêu của nhà trường hướng tới là đưa việc chào hỏi trở thành một thói quen trong học sinh. Khi triển khai, các thầy cô đã nỗ lực từ những ngày đầu tiên.
“Ngay từ khi học sinh đến trường, chúng tôi đã hướng dẫn các em hình thành thói quen chào hỏi. Bắt đầu đến cổng trường học sinh chào hỏi thầy cô, các bác nhân viên, bảo vệ. Chúng tôi cũng dạy các con cách chào, nói lời cảm ơn, xin lỗi với thầy cô, bạn bè ra sao.
Đặc biệt, giáo viên đều lồng ghép văn hoá chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi vào trong mỗi bài học để giáo dục học sinh từng hành động cụ thể. Ngoài ra, giáo viên cũng quan tâm tới học sinh ở nhiều góc độ, từ đó nhận thấy các em cần điều chỉnh, thực hiện thế nào để có nếp ứng xử, giao tiếp văn minh, thanh lịch”, lãnh đạo nhà trường cho biết.
Văn hóa học đường quyết định thành công của nhà trường
Văn hóa ứng xử là hệ thống các giá trị, chuẩn mực điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, cá nhân với cộng đồng trong môi trường giáo dục. Đặc biệt là cách ứng xử của thầy cô đối với học trò, đối với đồng nghiệp, đối với phụ huynh học sinh.
Nếu môi trường giáo dục thiếu đi nét đẹp của văn hoá ứng xử thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ. Bởi lẽ, vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử học đường có vai trò quyết định thành công của mỗi nhà trường.
Xây dựng văn hóa ứng xử học đường sẽ góp phần tạo ra những nét đẹp trong hành vi của thầy cô và của học sinh đối với các mối quan hệ thầy trò, bạn bè và môi trường xung quanh.
Học sinh đối với thầy cô giáo phải kính trọng, biết ơn, đối với bạn bè phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới mà môi trường giáo dục là nơi đào tạo những lớp người có tri thức để phục vụ xã hội.
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học hiện nay có thể xem như một hoạt động giáo dục. Các chuẩn mực văn hoá giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường.
Hiện nay, tại nhiều cơ sở giáo dục phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử không ngừng đổi mới thông qua các môn học, hoạt động giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý, tình cảm của học sinh; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, gia đình và xã hội...