Sau khi đăng tải bài viết Tranh cãi gay gắt chuyện trường học yêu cầu đồng phục cả... balo, VietNamNet tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến độc giả về câu chuyện đồng phục của học sinh.

Độc giả Phan Thiết đưa ý kiến cho rằng: “Vấn đề đồng phục của cả trường là bắt buộc, không chỉ riêng ở Việt Nam mà hầu hết các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều trang bị để dễ nhận biết đặc điểm từng trường.

Nay trường trang bị thêm chiếc balo theo thiết kế và logo riêng là vấn đề không có gì quá lớn, vừa đựng sách, vở, đồ dùng học tập vừa rất cá tính, dễ thương. Tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Danh mục các loại đồng phục của một trường THPT công lập ở TP.HCM

Tuy nhiên, đây chỉ là số ít ỏi những ý kiến bày tỏ sự đồng tình với đồng phục balo. Đa phần độc giả lại phản đối hoặc thất vọng với thực trạng các trường ngày càng bày vẽ ra quá nhiều khoản buộc phụ huynh phải chi tiền. Họ cho rằng bên cạnh đồng phục quần áo, việc đồng phục cả... balo là chiêu ép phụ huynh "mua bia kèm lạc" gây tốn kém, không cần thiết. 

Chuyện đã có từ lâu

Độc giả Quách Nhi cho biết việc đồng phục balo có ở TP.HCM từ lâu. Chị cho biết cháu mình từng học trường tư thục T., từ quần áo đến giày, balo đều bắt phải mua của trường. 

“Thậm chí, học sinh mặc quần đồng phục của Việt Tiến với màu sắc, kiểu dáng giống 97%, giám thị cũng bắt bẻ khó chịu và không cho tiếp tục mặc. 

Không chỉ vậy, các em khối 12 còn mệt mỏi hơn, khoảng một tháng trước lễ tri ân, giám thị cứ rảo các lớp, bắt buộc không ít đứa phải mua mới áo đồng phục tay dài (chỉ mặc ngày thứ Hai) để phục vụ cho buổi lễ chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ”. 

Học sinh TP.HCM dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023. Ảnh minh họa

Độc giả tên Toàn cũng khẳng định điều bạn Quách Nhi nói về trường T. là đúng và kể rõ hơn: “Em tôi cũng từng học trường này. Phải chi tiết hơn mới thấy rõ bản chất của sự việc mà bạn Nhi không đề cập trong vụ mua áo tay dài mới ở lễ tri ân, trưởng thành. 

Đó là mấy em học sinh lớp 12 còn chưa đầy một tháng là tốt nghiệp, chỉ vì lễ mà phải mua mới cái áo đồng phục tay dài - “bay” luôn vài trăm ngàn đồng. Điều bức xúc nữa là chiếc áo mặc chỉ trong vài giờ đồng hồ 101% là đi cho vì ra trường rồi, ai còn mặc lại?”. 

Chị Trần Thị Bạch Loan cũng cho biết chuyện bán đồng phục kèm theo balo là có lâu rồi chứ không phải mới đây. 

“Tôi nhớ cách đây 2 năm, vừa mới ổn dịch bệnh, con út của tôi đậu vào trường T.T., lúc vào nộp hồ sơ đóng từ 350 - 450.000 đồng, anh tiếp nhận học sinh đưa cho cái balo. Có một phụ huynh nói là nhà đã có balo, không cần mua nên không mang theo tiền, thế là anh nhân viên không nhận hồ sơ. Thấy vậy, mọi người đứng cho phụ huynh ấy mượn tiền để đóng vào lấy cái balo và được nhận hồ sơ. Về nhà, phụ huynh đều thắc mắc sao cái balo trường bán đắt thế?”.

Độc giả tên Minh cho biết: “Đồng phục trường con tôi có 6 món, bắt buộc mua combo chứ không được đăng ký. Sách cũng mua combo bao gồm tất cả các loại sách cộng với sách tham khảo, vở, đồ dùng học tập, không được đăng ký riêng. Trong số đồng phục và sách có những loại cả 5 năm tiểu học không dùng lần nào”.

Anh Phan Văn Hướng than thở: “Con mình chuẩn bị vào lớp 6 cũng bắt phải mua cặp theo quy chuẩn thống nhất, cái cặp như cái balo đi dã ngoại phải đến 500.000 đồng, đồng phục và sách cũng gần 2 triệu đồng. Khi con nhập học lại phải thêm các khoản xây dựng trường lớp và quỹ này quỹ nọ nữa... Choáng thật!”.

Giáo dục phải làm gương, tính phương án hiệu quả

Độc giả Lê Khoa đặt một loạt câu hỏi: “Sao ép nhau vậy nhỉ? Đến ba lô mà còn phải giống nhau? Thương cho ai đặt ra quy định đó. 

Đi học để làm con người tử tế mà khó vậy sao? Lẽ ra đi học là nghĩa vụ lớn hơn quyền lợi, vì rằng muốn có xã hội tốt đẹp đi lên thì xã hội đó có tất cả ai cũng có đạo đức và tri thức”.

Trong khi đó, độc giả Nguyễn Bảo bình luận: “Quá rối rắm, đồng phục mà cũng ràng buộc như thế này à?  Phải đồng cảm với số đông gia đình có mức sống vẫn còn khó khăn chứ? Ngành giáo dục không làm gương sẽ dạy dỗ được ai?”. 

Độc giả tên Ngụy Tam Phước còn gay gắt hơn khi đề nghị thanh tra và có hình thức kỷ luật những trường học nào tự đặt ra những quy định khó khăn về hình thức đồng phục, cặp sách để làm khó phụ huynh và học sinh.

“Thực chất những việc này không giúp học sinh học giỏi hơn mà chỉ gây ra sự tốn kém và bức xúc cho cho phụ huynh” – độc giả này khẳng định.

Độc giả Tường Liên mong muốn: “Xin các đồng chí lãnh đạo quan tâm vấn đề này. Nếu chi phí đầu năm học cao quá, có khi nhiều em học sinh nghèo không thể đến trường. Xin hãy xem xét lại quy định đồng phục từng trường. Xưa kia chỉ cần quần xanh đen, hoặc đen, áo trắng, mang huy hiệu của trường, các em có thể mặc lại của nhau, cặp sao cũng tùy, sách mượn của trường, cuối năm trả lại. 

Xin hãy xem xét thật kỹ, cho thuê sách cũng được, yêu cầu trả lại phải nguyên vẹn, không rách, để cho tất cả các em trong độ tuổi đến trường đều có thể đi học”.

Độc giả có tên Anh Nguyễn phân tích kỹ càng hơn: "Đồng ý rằng đồng phục là một yếu tố của nhận diện thương hiệu. Nhưng có cần thiết phải cực đoan đến mức đồng phục balo và và quần áo học sinh cho tất cả các ngày trong tuần không? Nếu đã cực đoan đến mức đó, sao không quy định đồng phục cả quần áo, mũ nón, cặp sách giáo viên, tất cả các đồng dùng giảng dạy trong trường, xe của giáo viên...? Và hiệu trưởng phải là người gương mẫu đi đầu, tự sắm sửa những thứ đó cho mình và cho trường".

Theo Anh Nguyễn: "Với hoàn cảnh còn nhiều người nghèo, dân lao động thu nhập thấp, khó khăn kinh tế trong những năm gần đây, dùng đồ cũ, đồng phục chỉ 1 hoặc 2 ngày đến trường là một phương án tôi cho là tốt và thực dụng, đồng thời xây dựng tính tiết kiệm cho học sinh, cũng tạo sự thoải mái ở mức độ cho phép cho học sinh. Ngoài ra, đó cũng là phương án sử dụng hiệu quả của cải xã hội, làm giảm thải và khai thác tài nguyên (sản xuất lắm quần áo sẽ phải tiêu thụ nguyên liệu và tăng rác thải là quần áo cũ). 

Còn cái kiểu cứ ký hợp đồng đồng phục với các công ty may, ăn phần trăm ở giá bán, rồi đổ lên đầu phụ huynh học sinh, hàng năm bỏ đi cả đống đồng phục cũ, bản chất việc đó là phản giáo dục".

Bị tố bán đồng phục, ép mua ba lô: Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú nói do nhân viên làm sai!

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Nghĩa Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú (TP.HCM), xác nhận nội dung trong bài đăng trên mạng xảy ra tại trường nhưng khẳng định nhà trường không có chủ trương bắt buộc học sinh mua balo như đăng tải trên mạng xã hội.

Theo ông Nhân, trước khi tổ chức nhận hồ sơ nhập học, trường đã triển khai cho cán bộ, giáo viên nắm rõ quy định để thực hiện.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cho phụ huynh, học sinh, một nhân viên nhà trường đã trao đổi không chính xác chủ trương của trường. Sự việc này lãnh đạo Trường THPT Bình Phú không hay biết, cho đến khi bị đăng tải trên mạng xã hội.

"Chúng tôi đã làm việc với nhân viên nhà trường để chấn chỉnh sau khi bị phản ánh. Nhân viên này cũng đã nhận khuyết điểm trong sự việc. Tôi khẳng định, phụ huynh, học sinh mua balo, đồng phục trên tinh thần tự nguyện, nhà trường hoàn toàn không bắt ép", ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, từ năm học 2022- 2023 nhà trường không dùng từ "combo" và cũng không ép học sinh mua đồng phục theo bộ mà học sinh thoải mái lựa chọn. "Thậm chí, phụ huynh học sinh có thể chọn nhà cung cấp khác hoặc mua vải tự may, miễn sao đúng với màu và mẫu mã đồng phục của trường", ông Nhân nói.

Đồng thời hiệu trưởng này cho biết, dự kiến tháng 10 tới, trường sẽ mở thêm một đợt bán đồng phục để học sinh có thể mua bổ sung nếu cần thiết bởi từ đầu năm có nhiều em do điều kiện kinh tế chưa mua hoặc chỉ mới mua một phần...