"Khi có nhiều hơn 95% khách hàng tiềm năng sống bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để cho các quốc gia như TQ viết ra luật lệ của nền kinh tế toàn cầu" - Tổng thống Mỹ Obama nói về TPP.

Hoàn tất đàm phán hiệp định lịch sử TPP

Hôm qua, các bên kết hoàn tất đàm phán và đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Một khối thương mại trải rộng từ Chile tới Nhật Bản, với Mỹ làm trung tâm kinh tế, đã củng cố nỗ lực của Obama trong việc đối trọng với ảnh hưởng kinh tế, quân sự trỗi dậy của TQ tại Thái Bình Dương.

{keywords}
Ảnh: newsmax

Thỏa thuận này cũng tăng cường vị thế ngoại giao cho ông trong chuyến công du châu Á tháng tới, và Mỹ giờ đây càng gần gụi hơn với các đối tác thương mại, cũng như bạn bè trong khu vực. 

Điều đó có thể khiến TQ buộc phải theo các quy chuẩn của thỏa thuận để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Các quy định trong TPP cho phép cắt giảm thuế quan thương mại và thiết lập các tiêu chuẩn chung trong dậu dịch cho 12 nước trong khu vực vành đai Thái Bình Dương, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản. 

Dù vậy, TPP vẫn còn phải chờ quốc hội từng nước thành viên phê chuẩn. Nếu được thông qua, TPP sẽ là hiệp định lớn nhất chi phối thương mại quốc tế trong hơn hai thập niên, chiếm 40% sản lượng kinh tế thế giới. Thỏa thuận sẽ thiết lập tiền lệ mới để phá vỡ các rào cản thương mại, khôi phục cũng như mở rộng thương mại toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Obama cho hay, “thỏa thuận này tạo sân chơi công bằng cho người nông dân, chủ trang trại của chúng ta, và các nhà sản xuất bằng cách loại bỏ hơn 18.000 loại thuế mà các nước đánh vào những sản phẩm của chúng ta".

Ông nhấn mạnh, "khi có nhiều hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để cho các quốc gia như TQ viết ra luật lệ của nền kinh tế toàn cầu".

Động thái của ông Tập Cận Bình

TQ vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và vai trò ưu thế của họ với thương mại châu Á là không thể phủ nhận, kể cả khi tốc độ tăng trưởng hiện nay có giảm sút.

Lãnh đạo TQ Tập Cận Bình đã có nhiều động thái để củng cố ảnh hưởng kinh tế của nước này, bao gồm thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, thu hút sự tham gia của hơn 50 quốc gia.

Dù TQ không phải là thành viên của TPP, sự tham gia của rất nhiều láng giềng và đối tác thương mại của Bắc Kinh trong thỏa thuận này - như Nhật Bản, Malaysia -  sẽ gia tăng áp lực với TQ trong việc chấp nhận những quy định trong giao thương.

Trong TPP có những quy định đòi hỏi việc bảo vệ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ, nhất là với công ty dược phẩm và mở rộng lối tiếp cận thị trường nước ngoài cho các công ty tài chính, tập đoàn viễn thông...

“Người TQ đang nghiên cứu cẩn thận những ưu, khuyết điểm của việc tham gia trong TPP", Jeffrey Schott, chuyên gia tại viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ cho biết.

Thái An (Theo newsmax)