- Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” trên Tuần Việt Nam của VietNamNet đã mở ra cơ hội cho các cá nhân góp sức giúp khát vọng Việt Nam hùng cường có cơ may thành hiện thực. Tôi hi vọng nói ra có người nghe và thực hiện.
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ngày càng thêm tụt xa với các nước tiên phong. Không phải chỉ tính theo giá trị tương đối - số lần cách biệt - mà quan trọng nữa là phải chú trọng vào giá trị tuyệt đối - khoảnh cách cách biệt.
Lấy láng giềng khu vực Singapore làm thí dụ. Năm 1990 thu nhập GDP tính theo đầu người của Việt Nam là 98 USD, của Singgapore là 11.841 USD, khoảng cách là 11.743 USD. Đến năm 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.343 USD, của Singapore là 57.714 USD, cách biệt đã đạt đến con số không lồ 55.371 USD. Nếu tính về sức mua tương đương thì sự cách biệt ở các năm 1990 và 2017 tương ứng sẽ là 21.259 USD và 87.129 USD, sự cách biệt gia tăng mỗi ngày một khổng lồ.
Nhìn vào số liệu thực tế thì hiểu được, khát vọng vượt lên trên mức thu nhập trung bình đầu người thế giới vẫn còn là khát vọng; khát vọng lọt vào nhóm các nước tiên phong trong tương lai gần là bất khả thi.
Hơn hai thập kỷ nay, chúng ta đã loay hoay mãi với chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như là một trong những cách làm cho tài sản nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vì vướng nhiều lẽ về lý luận, chúng ta không biết phải cổ phần hóa như thế nào cho đúng nên vừa làm vừa mò, vừa dò đá qua sông.
Chúng ta đối diện với rủi ro đã làm thất thoát nhiều tài sản nhà nước. Hơn nữa, lại không biết, phải cách cải cách kinh tế như thế nào, vừa đi vừa sợ, chưa đi đã dừng. Hậu quả là nền kinh tế phát triển không bền vững, nhiều nợ nần, nhiều rủi ro.
Giải pháp “Tựa cổ phần hóa” dưới đây có thể giúp góp phần giải thích về “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng quan trọng hơn, giúp phác họa một con đường vực dậy nền kinh tế, rồi sải bước cùng các nước, không để cho nước nhà quá tụt hậu.
Nhưng trước hết, hãy sơ lược vài nét về tiến trình cổ phần hóa hiện nay.
Tựa cổ phần hóa – góp phần giải pháp cần thiết cho phát triển đất nước. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Cổ phần hóa hay “bán lúa non”
Nhiều lãnh đạo của các Chính phủ gần đây đã thân chinh đốc thúc cổ phần hóa. Có những tuyên bố đốc thúc mạnh đến nỗi “Ai không cổ phần hóa thì đứng ra một bên”!
Không ai tranh luận về sự tất yếu phải cổ phần hóa. Nhưng cách cổ phần hóa lấy chỉ tiêu, bằng mọi giá, như khẩu hiệu nêu trên, thì mất nhiều hơn được.
Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế tập trung, do nhà nước quản lý đã nhiều chục năm, thì khi chuyển sang nền kinh tế thị trường sơ khai, sẽ xuất hiện các đặc tính cốt lõi như thị trường tiền tệ bị giới hạn; giá trị của hàng hóa bị định giá không đúng giá trị thực, phần lớn là thấp hơn giá trị thực; và sức mua thấp.
Bởi lẽ đó, lấy tài sản Nhà nước ra cổ phần hóa vội vã, chưa đúng thời điểm, là có rủi ro làm thất thoát tài sản của nhà nước.
Lấy thí dụ, ở nước ta, giá trị một mảnh đất những năm 80 thế kỷ trước, chỉ có vài chỉ vàng, bây giờ trị giá hàng trăm lượng.
Cũng vì không định giá đúng, mà Tổng thống Nga Putin đã tịch thu tài sản, bỏ tù Khodorkovski vì một trong những lý do chính là khi Liên Xô mới tan rã, nước Nga không nhiều đô la, đã giúp Khodorkovski chỉ với vài chục triệu USD thâu tóm các mỏ dầu khí Siberi để có được công ty dầu khí khổng lồ Yukos trị giá 8 tỷ USD (2003). Không phải Khodorkovski làm tăng giá trị công ty đầu khí Yukos, mà do trước đó nhà nước Nga đã cổ phần hóa quá thấp giá trị của các mỏ đầu khí Siberi.
Từ hai ví dụ trên để thấy quá trình cổ phần hóa hiện nay đang đánh giá tài sản của Nhà nước dưới giá trị thực tế. Đó là chưa nói đến âm mưu các nhóm lợi ích hạ giá để biến tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân. Về bản chất, có thể ví, quá trình cổ phần hóa hiện thời là quá trình “bán lúa non” cho người bán.
Cổ phần hóa là tất yếu, nhưng cổ phần hóa phải đúng thời điểm. Nếu không sẽ làm tiêu tan phần lớn tài sản nhà nước. Hệ quả, đẻ ra tầng lớp người bỗng nhiên giàu kếch sù, trong sự khánh kiệt tài sản của Nhà nước, trong sự gia tăng cách biệt thần tốc giàu nghèo..
Tựa cổ phần hóa – giải pháp cần thiết cho phát triển đất nước
Quá trình cổ phần hóa hiện nay, như trên đã đề cập, đang có rủi ro làm mất đi tài sản nhà nước. Vậy làm thế nào để giúp cho nền kinh tế phát triển trong lúc chưa thể triển khai hết và đúng thời điểm việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước?
Trong toán học có khái niệm “tựa”. Chẳng hạn “hàm tựa lồi”, hay “tựa tuyến tính”. Không hẳn hoàn toàn giống, nhưng từ đó có thể hiểu về khái niệm “Tựa cổ phần hóa”.
Giải pháp “Tựa cổ phần hóa” là thuê người quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Điều này có nghĩa, nhà nước tìm kiếm người giỏi để thuê quản lý doanh nghiệp nhà nước. Họ được trả lương cao, được thưởng theo hiệu quả sản xuất, được quyền thuê nhân sự...Nhà nước vẫn là chủ sở hữu tài sản. Nhưng quản lý doanh nghiệp theo cách các tập đoàn kinh tế tư bản vẫn thường làm.
Bốn điểm mấu chốt của “Tựa cổ phần hóa”: Trả lương cao theo hiệu quả; Tìm thuê đúng người giỏi; Trao cơ chế phù hợp; Kiểm soát tốt.
Có người sẽ phản biện là không thể làm được. Vậy thì xin nêu ra một dẫn chứng, rằng trong chiến tranh, nắm sinh mệnh hàng vạn quân còn quý giá hơn, thế mà khi có được tướng tài, vừa dành được chiến thắng, vừa bảo tồn tối đa được lực lượng.
Cho nên, không phải không làm được bốn điểm mấu chốt của “Tựa cổ phần hóa”, mà cần một Chính phủ giỏi quản lý kinh tế. Tương tự như bàn cờ thế, người này ngồi vào thì thắng, mà kẻ khác ngồi vào lại thua.
Như vậy ‘Tựa cổ phần hóa” vẫn giữ cho nhà nước nguyên quyền sở hữu tài sản. Chỉ bộ máy quản lý là thuê theo phương thức tư bản chủ nghĩa, nhờ đó mà doanh nghiệp có lợi nhuận và phát triển. Nhà nước cũng vì có lợi nhuận mà chi nhiều hơn cho an sinh xã hội – là phần “Định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có điều, cố gắng làm sao không để bọn tham nhũng lợi dụng vơ vét hết lợi nhuận của nhà nước, làm cho dân không được hưởng lợi “Định hướng XHCN” như trong thực tiễn đã xẩy ra.
Muốn thực hiện được khát vọng Việt Nam hùng cường, không phải chỉ nhờ vào mưu kế của người hiến kế. Nói ra mưu kế là quan trọng, nhưng người sử dụng mưu kế mới là quyết định. Muốn thành công, người sử dụng mưu kế phải giỏi hơn người đề xuất mưu kế.
Phần tiếp theo sẽ bàn về người sử dụng mưu kế và doanh nghiệp nhà nước nào cần phải “Tựa cổ phần hóa”.
Nguyễn Ngọc Chu
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn
>> Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:
Diễn đàn: Vì Việt Nam hùng cường
Hãy cùng tham gia Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” của chúng tôi bằng những bài viết, những góp ý trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai đất nước.
Vì sao Việt Nam tụt hậu?
Câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hai chính sách lớn tôi nêu ở đây, mà ngược lại?
“Khát vọng Việt Nam” khi tụt hậu không còn là "nguy cơ”
"Chúng tôi thừa nhận Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất lớn”.
Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?
Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?
Vượt trần thể chế
Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào.
Thể chế nào, doanh nghiệp đó
Cứ khi nào Nhà nước cởi trói, trao quyền cho người dân, thay vì hạn chế, bao cấp cho họ, sẽ luôn huy động được nguồn lực khổng lồ về tài chính và trí tuệ cho phát triển.
Đã giải phóng sức dân, cần giải phóng sức Nhà nước
Việc thực hiện mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh đã đặt ra yêu cầu phải giải phóng sức Nhà nước tương xứng với sức dân đã được giải phóng.
Giải phóng sức Nhà nước để Việt Nam hùng cường
Đây là phương thức để sức dân được tiếp cận ngày càng nhiều và đầy đủ với các nguồn tài sản do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.