Theo Worldometer, tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 79,74 năm, đứng thứ 47 trên thế giới. Tuy nhiên, theo NPR, cuối năm 2022, các quan chức y tế liên bang xác nhận tuổi thọ của người Mỹ đã giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 76 tuổi. Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới chứng kiến tuổi thọ tăng trở lại trong năm thứ hai xảy ra đại dịch Covid-19 sau khi có vắc xin. 

Mỹ còn đón nhận thêm một tin buồn khác, tỷ lệ tử vong của phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ đạt mức cao vào năm 2021. Ngoài ra, một bài báo trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên Mỹ đang gia tăng.

"Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi thấy gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Tỷ lệ này luôn có xu hướng giảm”, tác giả chính của bài báo Steven Woolf, Giám đốc Trung tâm Xã hội và Sức khỏe tại Đại học Virginia Commonwealth, nói. 

Tính tổng thể và trong mọi nhóm nhân khẩu học, người Mỹ qua đời ở độ tuổi trẻ hơn so với người dân ở các quốc gia phát triển khác. Điều khó hiểu này xảy ra ở một đất nước tự hào về các thành tựu khoa học, chăm sóc sức khỏe. 

So sánh tuổi thọ của Mỹ so với một số nước phát triển khác như Nhật, Thụy, Sĩ, Áo, Đức... Ảnh: NPR

Lời cảnh báo không được quan tâm 

Một nhóm nhà khoa học hoàn toàn không ngạc nhiên với thực tế trên: Tiến sĩ Woolf và các đồng nghiệp đã hoàn thành nghiên cứu dài 400 trang mang tính bước ngoặt 10 năm trước với tiêu đề nói lên tất cả: Cuộc sống ngắn hơn, Sức khỏe kém hơn.  

Hội đồng trên do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ thành lập và được Viện Y tế Quốc gia tài trợ. Nghiên cứu so sánh sức khỏe và tỷ lệ tử vong của Mỹ với các nước phát triển khác. Kết quả cho thấy Mỹ đang bị đình trệ trong vấn đề sức khỏe người dân trong khi các quốc gia khác tiến nhanh lên phía trước.

Các tác giả đã cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo nhưng không nhiều người quan tâm. Kể từ đó, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn. 

Người Mỹ đã quen nghe về chế độ ăn uống nghèo nàn và lối sống ít vận động khiến sức khỏe của họ trở nên tồi tệ như thế nào. Nhưng bức tranh được đưa ra trong bản nghiên cứu còn sốc hơn. 

“Trẻ em dưới 5 tuổi Mỹ có nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe lớn hơn các quốc gia có thu nhập cao khác. Ngay cả những người Mỹ có lối sống lành mạnh, như không béo phì hoặc không hút thuốc, dường như có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn so với những người đồng trang lứa ở các nước khác”, báo cáo viết. 

Thực tế là sống ở Mỹ "có hại" cho sức khỏe của bạn hơn và khiến bạn có nhiều khả năng chết trẻ hơn so với khi sống ở một quốc gia giàu có khác như Anh, Thụy Sĩ hoặc Nhật Bản.

Mỹ đi đầu về các công nghệ y học nhưng tuổi thọ của người dân không cao như nhiều nước phát triển. Ảnh minh họa: Heartland Imaging

Nguyên nhân 

Các nhà tác giả đã tìm hiểu nguyên nhân khiến người Mỹ mắc nhiều bệnh hơn và chết trẻ hơn. 

Tiến sĩ Woolf trình bày: “Chúng tôi xem xét rất kỹ lưỡng và có hệ thống về vấn đề này. Hội đồng đã phân tích hệ thống chăm sóc y tế và sức khỏe cộng đồng, các hành vi cá nhân như chế độ ăn uống và hút thuốc lá, các yếu tố xã hội như nghèo đói và bất bình đẳng, môi trường vật chất cũng như các chính sách và giá trị công cộng. Chúng tôi tìm thấy những sự khác biệt giữa Mỹ với các quốc gia khác”. 

Người Mỹ ăn nhiều calo hơn nhưng cũng có tỷ lệ trẻ em nghèo cao hơn, phân biệt chủng tộc, cô lập xã hội... 

Một khác biệt quan trọng giữa Mỹ và các quốc gia ngang hàng là những người chết hoặc bị giết trước 50 tuổi. Báo cáo Cuộc sống ngắn hơn, Sức khỏe kém hơn chỉ ra cụ thể các yếu tố như mang thai ở tuổi vị thành niên, sử dụng ma túy quá liều, HIV, tai nạn xe hơi gây tử vong, thương tích và bạo lực.

Eileen Crimmins, Giáo sư lão khoa tại Đại học South California (Mỹ), giải thích: “Sự khác biệt về tuổi thọ có thể xuất phát từ thực tế là súng rất sẵn có ở Mỹ. Chúng ta có nhiều xe hơi hơn, nên khả năng lái xe kéo dài hơn. Ngoài ra, còn có mối nguy từ chất gây nghiện”. 

Tất cả những điều này khiến Mỹ tốn kém rất nhiều. Các gia đình không chỉ mất đi người thân yêu quá sớm mà dân số ốm yếu còn khiến Mỹ phải trả thêm hàng tỷ USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe.

Có một số tín hiệu tích cực là Mỹ có tỷ lệ sống sau 75 tuổi cao hơn so với các quốc gia ngang hàng. Tỷ lệ sàng lọc ung thư và sống sót sau khi điều trị cao hơn, kiểm soát huyết áp và cholesterol tốt hơn, tỷ lệ tử vong do đột quỵ thấp hơn, tỷ lệ hút thuốc hiện tại thấp hơn và thu nhập hộ gia đình trung bình cao hơn.