Một trong những lý do giúp người Nhật khỏe mạnh và sống thọ là sự chăm chút cho bữa sáng - bữa quan trọng nhất trong ngày, ăn nhiều cũng ít làm tăng cân. Dù con đi chơi hay đi học, người mẹ Nhật đều muốn con ăn xong bữa sáng ở nhà. Họ thường chuẩn bị cơm, cá nướng, súp miso, dưa chua. 

Nhưng hiện giờ, bữa sáng điển hình của nhiều người Nhật thường có bánh mì nướng và trứng luộc. 

Bữa sáng truyền thống của Nhật luôn có cơm. Ảnh: Just One Cook Book

Chất lượng của cơm Nhật

Gạo là loại cây trồng phổ biến nhất ở Nhật. Quốc gia này chỉ nhập khẩu một phần nhỏ từ thị trường nước ngoài. Người Nhật ăn loại gạo có tên gọi là Japonica có độ dính cao, hạt ngắn, vẫn ngon khi để nguội. Nhờ đó, gạo Japonica lý tưởng để chế biến sushi và các món ăn khác cần có kết cấu dính. 

Về hàm lượng dinh dưỡng, gạo Nhật tương đối tốt cho sức khỏe, là nguồn cung cấp sắt và protein chất lượng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất. Gạo Nhật thường được trồng bằng các phương pháp canh tác truyền thống, tránh sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại.

Gạo Nhật có lượng calo thấp hơn và có hàm lượng chất xơ cao hơn đồng thời chứa nhiều vitamin và khoáng chất hơn các loại gạo khác.

Vị trí của cơm suy giảm dần

Theo Guardian, cuộc khảo sát gần đây của nhà phân phối gạo Makino cho thấy, 84,8% số người được hỏi cho biết họ ăn cơm hằng ngày. Nhưng 68,1% cho biết họ chỉ ăn cơm một lần trong ngày, chỉ 16,7% ăn cả ba bữa.

Ngày nay, vị trí của gạo trong thị trường lương thực của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm dân số, thay đổi lối sống và sự gia tăng của các lựa chọn thay thế ngon miệng.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, mức tiêu thụ gạo ở nước này đạt đỉnh điểm vào năm 1962, khi mỗi người ăn trung bình 118kg một năm, tức hơn 5 bát cỡ trung bình mỗi ngày. Đến năm 2020, mức tiêu thụ bình quân đầu người đã giảm hơn một nửa xuống còn dưới 51kg/năm. 

Năm 2011, lần đầu tiên các gia đình Nhật Bản chi nhiều tiền cho bánh mì hơn gạo. Người dân bắt đầu ăn nhiều sản phẩm từ lúa mì hơn, chẳng hạn như bánh mì, mì. 

Ông Shigeru Okumura tại cửa hàng gạo của gia đình ở Osaka. Ảnh: Guardian

Sự tiện lợi lên ngôi

Số người sống độc thân gia tăng và áp lực của công việc, gia đình đồng nghĩa nhiều người đặt sự thuận tiện lên trên thói quen ăn cơm. 

Nanami Mochida, giáo viên sống gần Tokyo và là mẹ của một cô con gái tuổi teen, giải thích: “Ăn bánh mì tiện lợi hơn, đặc biệt vào buổi sáng. Chuẩn bị bữa sáng kiểu Nhật mất nhiều thời gian. Bạn cần vo gạo trước, sau đó mất 30 phút đến một giờ để nấu, ngay cả với nồi cơm điện”. 

Khu Fukushima của Osaka từng có khoảng 50 cửa hàng gạo; giờ chỉ còn lại 5 điểm, bao gồm doanh nghiệp 100 năm tuổi của Shigeru và Teruyo Okumura, nơi thu mua gạo từ khắp đất nước. 

Shigeru, chủ sở hữu đời thứ ba của cửa hàng, cho biết: “Ngày nay có quá nhiều lựa chọn đến nỗi mọi người không chỉ nghĩ đến cơm khi chuẩn bị bữa ăn nữa”. 

Yukari Sakamoto, tác giả của cuốn sách Food Sake Tokyo (chỉ dẫn về các món ăn ngon nhất ở Tokyo), cho biết: “Những người trẻ tuổi thích thưởng thức nhiều món hơn, không chỉ là cơm truyền thống của Nhật, súp miso và các món phụ, mất nhiều thời gian nấu hơn so với bánh mì nướng, trứng hoặc một bát mì”. 

“Chất lượng bánh mì và số lượng cửa hàng ngày càng tăng khiến việc lựa chọn bánh mì thay cho cơm dễ dàng hơn. Gạo thì không rẻ nên nhiều người chọn bánh mì hoặc mì”, tác giả Sakamoto nói thêm. 

Yasufumi Horie tự canh tác một cánh đồng lúa nhỏ tại nhà của ông ở vùng nông thôn tỉnh Fukushima ở phía đông bắc Nhật Bản. “Khi chuyển đến đây vào năm 2007, tôi muốn tự túc hết mức có thể”, Horie nói. Ông dự kiến thu hoạch được 90kg gạo vào mùa thu này, đủ để ăn trong một năm.

Horie, người ăn gạo lứt ít nhất hai lần một ngày, rất lạc quan rằng loại ngũ cốc này sẽ vẫn là lương thực chủ lực, ngay cả đối với những người tiêu dùng thích sự đa dạng. 

Điều gì xảy ra khi bạn ăn cơm thường xuyên?

Cơm chứa nhiều chất xơ, có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Để nguội sau khi nấu, cơm sẽ trở thành một loại tinh bột kháng. Cơ thể của bạn không thể hấp thụ tất cả tinh bột đó. Một phần sẽ đi vào ruột kết, nuôi dưỡng vi khuẩn tốt. 

Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều gạo dẫn tới tăng lượng đường trong máu, đầy bụng, tăng cân. 

Các nhà dinh dưỡng khuyên mọi người nên ăn gạo lứt chứa nhiều chất xơ hơn gạo trắng. Khi bạn ăn, cơ thể sẽ sử dụng lượng chất xơ để giữ cho hệ tiêu hóa của bạn hoạt động trơn tru.