Hiện nay, 100% thôn bản trên địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động; gần 55% hộ gia đình đã có kết nối Internet băng rộng cố định; hơn 60% dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh; mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Có thể thấy, hạ tầng viễn thông đã được đầu tư khá đồng bộ, nhờ đó, người dân có điều kiện thuận lợi để tiếp cận công nghệ số.
Lãnh đạo tỉnh xác định đảm bảo an toàn an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu xuyên suốt, không thể tách rời với phát triển hạ tầng số. Vì vậy, để đảm bảo an toàn thông tin cho hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, từ năm 2022, tỉnh đã triển khai Hệ thống Giám sát điều hành an toàn an ninh mạng và giải pháp phòng chống mã độc cho hơn 3.300 máy tính của các cơ quan nhà nước, được kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia.
Đội Ứng cứu sự cố mạng máy tính tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tổ chức ứng cứu, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị chuyên trách để đảm bảo an toàn an ninh cho các hệ thống thông tin của tỉnh.
Để tiếp nhận, xử lý một cách kịp thời, hiệu quả phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh đã thiết lập kênh tương tác đa chiều giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân. Đó là ứng dụng chính quyền số tỉnh Tuyên Quang (App Tuyên Quang ID).
Đặc biệt, tính năng phản ánh hiện trường đang phát huy hiệu quả, trở thành công cụ rất hữu ích cho cả người dân và chính quyền các cấp. Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm phản ánh của người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ xử lý đạt 86%.
Toàn tỉnh hiện có 1.871 tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, 138 tổ cấp xã, 1.733 tổ thôn, bản, tổ dân phố; với tổng số 10.257 thành viên. Lực lượng nòng cốt này đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.
Để tạo bước đột phá cho chuyển đổi số trong thời gian tới, tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan tới chuyển đổi số; Hoàn thiện hạ tầng số phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh; Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Triển khai hiệu quả các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số; Tiếp tục tổ chức, triển khai hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thành phố, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế…