Cụ thể, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất thành phố cho thí điểm áp dụng hệ thống thông tin địa lý - bản đồ GIS trong tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 tại TP.Thủ Đức, Quận 8 và Quận Tân Bình.

Học sinh TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Theo đó, việc phân bổ học sinh đầu cấp sẽ thực hiện trên nguyên tắc các em được học tại trường gần nơi cư trú, có thể xem xét không phân theo địa giới hành chính của phường. Tức là học sinh sẽ được học tại ngôi trường gần với nơi mình ở nhất. Cách sắp xếp như trên sẽ loại bỏ được tình trạng học sinh phải đi học quá xa. 

Các cơ sở giáo dục, phòng GD-ĐT là cơ quan tham mưu thường trực cho ban chỉ đạo tuyển sinh địa phương, sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để bố trí chỗ học cho học sinh. Căn cứ trên cơ sở dữ liệu ngành, tham khảo trên bản đồ số GIS, Ban tuyển sinh sẽ phân bổ trường trên nguyên tắc học sinh được học gần nhà.

Trong năm học 2023-2024, TP.HCM đặt mục tiêu 100% học sinh đăng ký và nhập học bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, phụ huynh và học sinh thực hiện 2 giai đoạn: kiểm tra thông tin và xác nhận nhập học trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh đầu cấp. Việc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường chỉ được thực hiện sau khi đã xác nhận nhập học.

Về tuyển sinh lớp 10, Sở GD-ĐT đề xuất với UBND TP.HCM tổ chức kỳ thi vào ngày 6 và 7/6.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban các phòng giáo dục, sáng 15/3, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết năm học 2023-2024 là năm đầu tiên thành phố thực hiện tuyển sinh đầu cấp không khai báo.

Nói rõ hơn, ông Hiếu cho biết các năm trước dù có thực hiện tuyển sinh trực tuyến nhưng phụ huynh vẫn phải đến trường để đăng ký danh sách, khai báo dữ liệu, nhập dữ liệu của học sinh lên phần mềm tuyển sinh của trường, của quận, huyện khi đăng ký tuyển sinh.

Năm nay, các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục đào tạo là cơ quan tham mưu thường trực cho ban chỉ đạo tuyển sinh địa phương, sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để bố trí chỗ học cho học sinh chứ không phải phụ huynh đăng ký chỗ học.