Tính từ ngày 15/6/2019 đến ngày 10/9/2019, đã có 32.480 doanh nghiệp thành lập mới được ghi nhận trong CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trên toàn quốc đạt trên 75%.. Ảnh: Internet |
Trong đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020” quý III vừa qua, thường trực Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chỉ rõ một trong những tồn tại hạn chế thời gian qua là các CSDL quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ chậm được triển khai.
Cụ thể, theo báo cáo quý III/2019 của Bộ TN&MT, hiện Bộ này mới đang xây dựng Đề án tổng thể xây dựng CSDL đất đai quốc gia và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2019.
Với CSDL quốc gia về dân cư, đến quý III/2019, Bộ Công an đã thực hiện quét và xử lý được 70 triệu dữ liệu từ các phiếu thu thập thông tin dân cư tại 52 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Bộ Công an đang rà soát, điều chỉnh các dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới trong giai đoạn 2019 – 2020.
Trong các CSDL quốc gia cần được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ KH&ĐT chủ trì là cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất đã được hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2010. CSDL này hiện chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc. Tính từ ngày 15/6/2019 đến ngày 10/9/2019, đã có 32.480 doanh nghiệp thành lập mới được ghi nhận trong CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trên toàn quốc đạt trên 75% và tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.
Ngoài ra, đến nay CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp với hệ thống thông tin của một số bộ, ngành và địa phương như Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, biển hiệu, phù hiệu xe ô tô của Bộ Giao thông Vận tải; Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Bắc Giang.
Hai CSDL quốc gia khác được Chính phủ xác định cần được ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử là CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc và CSDL quốc gia về bảo hiểm cũng đều đang trong giai đoạn triển khai, hoàn thiện.
Trong đó, đối với CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc đào tạo, hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, xây dựng CSDL hộ tịch điện tử cho 63/63 Sở Tư pháp trên toàn quốc.
Trong quý III/2019, Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch và CSDL hộ tịch điện tử đã chính thức được mở rộng triển khai thêm tại 3 địa phương gồm Hưng Yên, Trà Vinh, Sơn La, nâng tổng số địa phương đã được triển khai sử dụng lên 54/63 tỉnh, thành phố với hơn 14.000 lượt công chức tư pháp hộ tịch tại trên 9.000 UBND cấp xã, 588 Phòng Tư pháp và 54 Sở Tư pháp. Tính đến ngày 24/9/2019, CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành và đồng bộ tại 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Còn với CSDL quốc gia về Bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung số hóa toàn bộ dữ liệu của ngành tại Trung ương, đồng thời tiến hành rà soát, đồng bộ, cấp mã định danh cho toàn bộ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong quý III năm nay, dữ liệu đang tiếp tục được làm sạch, đồng bộ, bổ sung để làm giàu thêm CSDL chuyên ngành bảo hiểm xã hội, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Cùng với đó, thời gian qua, một số bộ, ngành cũng đã tích cực triển khai xây dựng và khai thác các CSDL chuyên ngành để phục vụ ứng dụng Chính phủ điện tử. Tiêu biểu như, Bộ GD&ĐT đang triển khai hoàn thiện kho học liệu số, kho bài giảng e-Learning, CSDL về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; Bộ TN&MT triển khai nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành về viễn thám, nền địa lý, quan trắc, nguồn thải… Một số tỉnh, thành phố cũng chủ động xây dựng một số CSDL chuyên ngành phục vụ trong phạm vi địa phương mình, điền hình là Thành phố Đà Nẵng xây dựng các CSDL Sở, ngành; TP.HCM xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở.
Liên quan đến việc triển khai xây dựng các CSDL quốc gia, tại cuộc họp của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã yêu cầu tập trung thúc đẩy việc triển khai CSDL đất đai quốc gia và CSDL quốc gia về dân cư.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Bộ trưởng TT&TT, trước ngày 15/11/2019, Bộ TT&TT sẽ làm việc với Bộ Công an, Bộ TN&MT để bàn các tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các CSDL quốc gia về dân cư và đất đai. Trong đó, cùng với việc thống nhất về cách làm, cơ chế triển khai, nguồn vốn, dự kiến tại cuộc họp này Bộ TT&TT cũng sẽ thống nhất với các Bộ ngành liên quan về việc chọn doanh nghiệp đồng hành triển khai.