Lượng thẻ đang hoạt động trên địa bàn TP tăng khoảng 10%

UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2023.

Theo đó, về hoạt động thanh toán thẻ trên địa bàn, đến cuối năm 2023 lượng thẻ đang hoạt động trên địa bàn TP tăng khoảng 10% so với năm 2022. Sản phẩm thẻ nội địa trong nước chiếm 49%, thẻ quốc tế chiếm 51%, tỉ lệ này năm 2022 lần lượt là 56% và 44%; số máy POS đang hoạt động tăng 25% so với năm 2022. Đến cuối năm 2023 tổng số đơn vị chấp nhận thẻ tăng 17% so với năm 2022.

Về hoạt động thanh toán qua ngân hàng điện tử: Việc phát triển đa dạng các kênh thanh toán hiện đại cùng với các tiện ích mang lại đã góp phần gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch thanh toán điện tử. Đến cuối năm 2023, số món thanh toán điện tử tăng 52% so với năm 2022.

Theo UBND TPHCM, với sự ứng dụng công nghệ trong thanh toán, ngành ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán ở Việt Nam đã cung ứng đầy đủ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng các ứng dụng ngân hàng số, ứng dụng ví điện tử, mobi money trên các thiết bị di động, rất tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, mức độ sử dụng của người dân hiện nay chưa đạt kỳ vọng. Do đó, trong thời gian tới rất cần sự đồng hành của 3 bên: Ngân hàng - Chính quyền - Người dân; có như vậy việc phát triển không dùng tiền mặt mới được đẩy nhanh và lan tỏa hơn so với hiện nay.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM hợp nhất Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử, kết nối hệ thống định danh công dân theo Đề án 06, thiết lập 1.590 thủ tục hành chính trên môi trường số; triển khai 635 dịch vụ công trực tuyến.

Là trung tâm thương mại dịch - dịch vụ lớn nhất cả nước, trong  lĩnh vực công thương, TP.HCM cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

thanhtoan.png
Thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã phổ biến tại các cửa hàng thời trang. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực thương mại với 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại… Các cơ sở này đều tham gia vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của TP.HCM cao thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Trong lĩnh vực y tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện lợi, tiện ích cho người bệnh trong việc thanh toán viện phí khám chữa bệnh, đảm bảo sự yên tâm cho cả thân nhân. Về phía bệnh viện, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các bộ phận kế toán, hành chính, quản lý tiền bạc, sổ sách; giảm được thao tác vận hành, giảm chi phí quản lý, tăng cường hiệu quả quản trị cho bệnh viện.

Vì thế, các bệnh viện trên địa bàn thành phố ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ các bệnh viện hạng I mà cả hạng II cũng tích cực triển khai. Hiện 100% các bệnh viện công tại TP.HCM đã thanh toán không dùng tiền mặt

Theo ông Đặng Anh Long, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đơn vị đang triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên phạm vi rộng, không giới hạn thời gian, không gian. Bệnh nhân có thể thanh toán đăng ký khám bệnh qua App và Kios; thanh toán qua thẻ khám chữa bệnh kiêm ATM; thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú; thanh toán với ngân sách; thanh toán tiền thuốc tại nhà thuốc.

Hồng Hạnh và nhóm PV, BTV