Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng thịt lợn ở Trung Quốc đang khiến người tiêu dùng nước này hoang mang vì đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Nhưng vẫn có nhiều người kiếm bộn tiền từ cuộc khủng hoảng này.

Một trong số đó là Qin Yinglin.

Khối tài sản của chủ tịch Công ty Muyuan Foodstuff đã tăng 400% lên 8,6 tỷ USD trong năm nay, đưa ông trở thành tỷ phú có tài sản tăng nhanh nhất trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng 200% trong năm nay, theo dữ liệu của Bộ Thương mại nước này. Dịch tả lợn châu Phi khiến hàng chục triệu con lợn chết hoặc bị tiêu hủy, đẩy tỷ lệ lạm phát tiêu dùng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

{keywords}
Ông Qin (phải) là tỷ phú có tài sản tăng trưởng nhanh nhất theo xếp hạng Bloomberg Billionaires Index. Ảnh: Twitter/Aidan J Connolly.

Lợi nhuận của Muyuan tăng vọt 260% trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giá thịt lợn tăng. Công ty và các nhà sản xuất khác giành được thị phần bởi những doanh nghiệp nhỏ hơn buộc phải rời khỏi cuộc chơi vì thua lỗ nặng nề, theo Fitch Ratings.

"Một số công ty gặp khó khăn lớn vì không thể nuôi lại đàn lợn. Ngược lại, một số công ty đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Li Chen của Fitch bình luận. 

Ông Qin không phải người duy nhất kiếm được tiền từ cuộc khủng hoảng thịt lợn. Hai đối tượng hưởng lợi khác là WH Group, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, và New Hope Group, hãng chăn nuôi lợn và sản xuất thức ăn chăn nuôi

Chủ tịch New Hope Liu Yonghao hiện sở hữu khối tài sản 11 tỷ USD, gấp đôi năm 2018.

{keywords}
Giá thịt lợn Trung Quốc tăng 200% trong năm nay. Ảnh: Nikkei. 

Phần lớn tài sản của ông Qin đến từ 60% cổ phần ở Muyuan. Ông nắm giữ trực tiếp và thông qua Muyuan Industrial Group, theo hồ sơ quý III/2019 của công ty.

Ông Qin sinh năm 1965 và tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nam với bằng chăn nuôi. Ông bắt đầu làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước nhưng rời khỏi đây sau 3 năm làm việc.

Sau đó, ông Qin bắt đầu một doanh nghiệp nuôi lợn tại Nanyang. Từ khởi điểm với 22 con lợn, giờ đây công ty của ông giết mổ 5 triệu con mỗi năm.

Theo ông, công ty đã khử trùng xe tải, khử trùng thức ăn chăn nuôi bằng nhiệt và lọc không khí trong các trang trại để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm lợn châu Phi.

"Dịch cúm lợn mang đến cả lợi ích và tác hại. Chúng ta cần vượt qua cơn bão dữ dội này và biến nó thành cơ hội tuyệt vời để phát triển", ông Qin khẳng định.

(Theo Zing)