Mấy năm nay trên facebook cá nhân, chị Ngọc sống tại bán đảo Linh Đàm, Hà Nội, được nhiều bà nội trợ ưu ái gọi là Ngọc Mắm. Lâu nay, chị chuyên bán những loại nước mắm cốt sạch, mắm tôm, mắm tép nhà làm. Những loại nước mắm cốt truyền thống nhà chị luôn đảm bảo độ thơm ngon và hoàn toàn tự nấu, tự ủ từ cá muối, không chất tạo màu, không hương liệu nên rất an toàn và độ đạm cao.
Người phụ nữ này tiết lộ, mỗi ngày chị bán khoảng được 50 lít nước mắm cốt. Chị kể: “Do luôn đảm bảo chất lượng và có một tệp khách hàng ổn định ăn quen nên ngày nào mình cũng bán được vài chục lít nước mắm cốt”.
Chị Ngọc cho biết, nhà chị bán hai loại nước mắm. Đó là nước mắm rút nỏ giá 170.000 đồng/lít. Đây là loại nước mắm cốt đặc biệt vì rút nước lần 1, mắm cũng được muối lâu năm từ cá ngon tươi.
Những vại mắm được ủ theo phương pháp truyền thống |
Giờ tỷ lệ cá - muối cũng được điều chỉnh sao cho bớt vị mặn phù hợp với thói quen ăn uống mới mà vẫn bảo quản được lâu |
Ngoài ra, nhà chị còn có nước mắm nấu. Đây là loại nước mắm được rút lần 2, giá 90.000 đồng/lít. Với loại nước mắm nấu này, khách có thể dùng để ướp, kho, nấu món ăn. Thậm chí nhiều khách mua để chấm vẫn rất ngon.
Theo chị Ngọc, mắm nhà chị được ướp chượp theo phương pháp truyền thống có vại nọ vại kia. Do đó, không thể giống nhau 100% như mắm công nghiệp. Tuy nhiên, về cơ bản, vại mắm nào cũng đều ngon như nhau vì thành phần của nước mắm chỉ có cá, muối, dứa và ép nép bằng mía.
“Nước mắm cốt nhà mình luôn được khách ưa chuộng. Chúng khác hẳn với nước mắm công nghiệp đang bán đầy trên thị trường khi chỉ hương liệu, chất điều vị là nhiều chứ cốt cá thật thì ít, nếu có chỉ được vài phần trăm. Còn nước mắm cốt không dùng chất bảo quản để giữ được lâu, mà nhà mình dùng chính muối để bảo quản mắm”, chị Ngọc khẳng định.
Để đáp ứng sở thích chấm mắm ngon đa dạng của thực khách, nước mắm chị làm không mặn gắt như ngày trước. Ngược lại, mắm có vị mặn đầm, có hậu vị, mùi thơm dịu nhẹ.
“Ngày trước, các cụ muối tỷ lệ cá - muối là 2:1 (hai cá một muối). Nhưng hiện nay, đối với những vại mắm từ 2-3 năm, nhà mình cũng chỉ muối tỷ lệ vừa phải 3:1 hoặc 4:1. Đối với những vại cá cơm thì tỷ lệ 4:1. Như vậy, mắm vừa đủ ngon, vừa đủ muối để không bị thối mà ăn lại không bị gắt. Riêng đối với những vại cá nhâm, cá trích, những loại cá to hơn thì tỷ lệ khoảng 3:1”, chị tiết lộ.
Nước mắm cốt có mùi vị hơi khó với người không ăn quen |
Nếu ai ăn mắm cốt lâu rồi sẽ nghiện, khó có thể ăn mắm công nghiệp |
Với tỷ lệ cá - muối thay đổi như vậy, chị Ngọc cho hay thực sự người sành ăn sẽ biết rằng mắm cốt mặn, nhưng sau cái vị mặn đó không phải là vị khé cổ, mà mặn đầm, có mùi thơm dịu nhẹ, vừa miệng.
Người phụ nữ bán nước mắm này nói thêm, màu của nước mắm cốt hiện cũng không đen kìn kịt như trước. Do gia đình chị đã học kỹ thuật muối cá, phơi mắm đủ nắng giúp xử lý "đạm thối" của chượp trong quá trình phân hủy cá nên mùi mắm không còn nồng.
Chị nói: “Vại nước mắm muối 1,5-2 năm chỉ gọi là ăn được. Nhưng nước mắm muối đến 3 năm thì ăn khác hẳn. Bởi, chỉ có cá và muối, dứa thơm mà ăn rất đầm, hậu vị, không hề mặn gắt (mặn chát chủ yếu do dùng muối mới nên mắm ăn chát). Màu nước mắm trong vàng và mùi thơm nhè nhẹ, chao qua chao lại bát có độ sánh thơm ngon không cưỡng lại được”.
Nhà chị Khương còn ủ cả mắm tôm |
Sinh ra ở miền biển Nam Định nhưng đi học và làm việc nhiều năm nay tại Hà Nội, anh Trần Đình Khương (31 tuổi) rất thích ăn nước mắm cốt muối từ cá.
“Mình thích mùi mắm cốt lắm. Nhưng thấy nhiều bạn trẻ Hà Nội không có khái niệm về mùi nước mắm. Có thể các bạn ấy toàn ăn nước chấm công nghiệp. Mùi của hương liệu về cơ bản là thơm, dễ làm dịu khứu giác khiến nhiều người ăn quen mắm công nghiệp khi quay về ăn mắm muối thủ công cũng không còn thấy ngon nữa. Tất nhiên, khi mới ăn mắm cốt không vừa miệng ngay vì nó có phần hơi mặn, mùi cũng không phải là dễ chịu”.
Anh Khương tâm sự đa từng đi nhiều nơi và ăn thử mắm cốt truyền thống ở nhiều vùng miền khác nhau, thấy mùi mắm khác nhau là do kĩ thuật muối.
Đơn cử như ở một số vùng như Quảng Ninh, Diêm Điền Thái Bình, Hải Phòng thì mùi mắm thường khá nặng. Một số vùng khác như Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang thì mắm mùi nhẹ hơn. Tất cả do kĩ thuật muối và nguyên liệu cá.
Vì ăn mắm cốt truyền thống từ bé nên khi sống ở Hà Nội, anh Khương vẫn thường xuyên đặt mua nước mắm ở quê. Anh bảo, giờ cho ăn nước mắm công nghiệp là chịu, không ăn nổi.
Thảo Nguyên