“Các binh sĩ có quốc tịch Syria mặc đồng phục lính Nga được trông thấy ở một căn cứ quân sự tại thành phố Melitopol thuộc miền nam Ukraine, nơi đang bị đối phương kiểm soát”, Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov nói với hãng tin Al Jazeera hôm 20/6, dù không nêu chi tiết cũng như những bằng chứng cho tuyên bố của bản thân. 

Ảnh minh họa

Theo Al Jazeera, ông Rami Abdurrahman, người đứng đầu một văn phòng quan sát quyền con người Syria có trụ sở ở Anh hồi tháng Tư từng nhận định rằng, có tới 40.000 người Syria đã đăng ký tham chiến ở Ukraine. Trong đó, khoảng 22.000 người đăng ký với quân đội Nga, số còn lại xin gia nhập vào tập đoàn Wagner Group.

“Có khoảng 700 thành viên thuộc Lữ đoàn đặc nhiệm số 25, có biệt danh ‘Lực lượng Hổ’ tại Syria, đã tới tham chiến cùng quân đội Nga. Cũng có nhiều người tình nguyện tới từ sư đoàn 5 được Nga huấn luyện, các lữ đoàn thuộc lực lượng Ba’ath và lữ đoàn Quds. Nga đang tìm kiếm những chiến binh có kinh nghiệm, và họ không muốn tìm tới những lực lượng chưa từng được chính họ đào tạo”, ông Abdurrahman khi đó nói.

Kiev nói chiến sự gây thảm họa giá lương thực

Trong bài phát biểu trực tuyến trước Liên minh châu Phi hôm 20/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: “Chúng tôi hiện đối mặt với những cuộc đàm phán phức tạp, nhằm giúp các cảng biển thoát khỏi tình trạng bị Nga phong tỏa. Nhưng quá trình này vẫn chưa có kết quả. Đó là lý do tình hình khủng hoảng lương thực toàn cầu vẫn kéo dài chừng nào cuộc xung đột này còn tiếp diễn”.

“Đường biển là một nhân tố quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Ukraine, đồng thời việc xuất khẩu nông sản từ Ukraine là một trong những nền móng của sự ổn định trên thị trường lương thực toàn cầu. Chúng tôi là một trong những nhà cung cấp chính về lúa mì, dầu hướng dương và ngô. Theo ước tính của các chuyên gia, cuộc sống của khoảng 400 triệu người ở nhiều quốc gia khác nhau trên toàn cầu đang dựa vào việc xuất khẩu lương thực từ chúng tôi”, Tổng thống Ukraine khẳng định.

Theo ông Zelensky, nếu chiến sự Nga-Ukraine không xảy ra thì “sẽ không có sự thiếu hụt lương thực, và người dân ở châu Phi, châu Á hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới không phải chịu cảnh giá lương thực tăng ‘thảm họa’”.

Ở một diễn biến khác, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cùng ngày nói rằng nước này đã đề nghị cho phép sử dụng lãnh thổ Hungary để làm tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột tại nước này đang làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển truyền thống đi qua Biển Đen.

Giới chức Crưm tố Ukraine tấn công giàn khoan dầu ngoài khơi 

Giới chức Crưm đã lên tiếng cáo buộc Ukraine phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa vào các giàn khoan dầu ngoài khơi bán đảo này. 

“Sáng 20/6, Ukraine đã tấn công các giàn khoan của Chernomorneftegaz. Ba người bị thương sau vụ tấn công, trong khi công tác tìm kiếm bảy người khác đang được tiến hành. Tôi đang liên lạc với các đồng nghiệp của chúng tôi từ Bộ Quốc phòng và Tổng cục An ninh (FSB) Nga, chúng tôi đang cố gắng cứu người”, quan chức Crưm Sergey Aksyonov nói với trang tin The Guardian. 

Hiện chính quyền Ukraine chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc trên. 

Lithuania bảo vệ lệnh cấm vận chuyển hàng tới Kaliningrad

Theo hãng tin Al Jazeera, chính quyền Lithuania từ ngày 17/6 đã cấm Nga vận chuyển hàng hóa nằm trong danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) tới vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad. Than đá, kim loại, vật liệu xây dựng và công nghệ tiên tiến là những mặt hàng nằm trong danh sách bị cấm vận chuyển.

“Lệnh cấm này chỉ ảnh hưởng tới những hàng hóa bị EU áp lệnh trừng phạt. Lithuania không áp những lệnh cấm ‘đơn phương, cá nhân hay bổ sung’, chúng tôi chỉ đơn giản thực hiện các lệnh trừng phạt của EU”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Lithuania đưa ra hôm 20/6 nêu rõ. 

Giới chức Nga sau đó đã có phản ứng về động thái cấm vận chuyển hàng hóa trên của chính quyền Vilnius. “Quyết định này thực sự là chưa từng có. Nó vi phạm mọi thứ”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmytry Peskov nói. 

Tuấn Trần