Số liệu của Không quân Ukraine cho thấy, Nga đã triển khai tổng cộng 2.576 UAV trong tháng 11, so với con số 2.023 vào tháng 10.  

Trong khi đó, vào tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga có kế hoạch tăng sản lượng UAV "gần gấp 10 lần" trong năm nay. Theo ông, năm 2023, quân đội Nga đã nhận được khoảng 140.000 UAV các loại. Còn trong năm nay, Nga muốn sản xuất 1,4 triệu UAV.

nga ukraine uav 1.jpg
Số lượng UAV Nga tấn công Ukraine liên tiếp phá kỷ lục. Ảnh: RBC-Ukraine

Điều này đặt ra câu hỏi tình hình ở Ukraine sẽ diễn biến như thế nào, giữa lúc số lượng UAV Nga tấn công liên tiếp phá kỷ lục trong các tháng gần đây. 

Nhằm tăng cường năng lượng phòng không, phương Tây đã gửi cho Ukraine các hệ thống như Patriot và NASAMS. Những hệ thống này đã chứng minh được mức độ hiệu quả trong việc bảo vệ các thành phố Ukraine khỏi đòn tấn công bằng tên lửa hàng loạt của Nga.

Tuy nhiên, tên lửa mà các hệ thống Patriot và NASAMS sử dụng lại có giá đắt đỏ, trong khi Nga huy động loạt UAV có giá rẻ hơn nhiều để tấn công. Do đó, Ukraine đã phải phát triển và dựa vào các phương pháp khác nhau để chống lại dàn UAV Nga.

"Ukraine đã thành lập các nhóm hỏa lực di động, và mạng lưới lớn cảm biến để phát hiện và theo dõi UAV Nga. Ukraine còn đang sử dụng súng phòng không và súng máy, thậm chí là tên lửa rẻ hơn. Phương án đánh chặn này tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với Patriot và các hệ thống phòng không khác", ông Federico Borsari tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA) chia sẻ với tờ Kyiv Independent.

Ngoài ra, Ukraine còn sử dụng các kỹ thuật tác chiến điện tử (EW) để gây nhiễu khiến UAV Nga đi sai hướng trong quá trình tấn công.

Khi kết hợp các nhóm hỏa lực di động và EW, ông Borsari cho hay chỉ khoảng 5% UAV mà Nga phóng thực sự vượt qua được hệ thống phòng không của Ukraine. Song ông thừa nhận, Nga cũng đang thích nghi và cải tiến UAV để vượt qua lưới phòng không đối phương.

Khi Nga lần đầu tiên triển khai UAV tự sát để tấn công Ukraine vào tháng 9/2022, Moscow sử dụng UAV Shahed-136 do Iran sản xuất. Nhưng sau đó, Nga đã tự sản xuất UAV Shahed của riêng mình, và phát triển nhiều biến thể mới. Theo các báo cáo gần đây, Nga đã triển khai UAV mồi nhử để làm suy yếu hệ thống phòng không Ukraine, cùng UAV nhiệt áp và UAV trang bị đạn mảnh để tăng mức độ sát thương.

Điển hình, hôm 18/1, Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (HUR) cho hay Nga đang sử dụng hàng loạt UAV mồi nhử giá rẻ để làm quá tải hệ thống phòng không Ukraine. Chúng được cho là biến thể của UAV Gerbera, và có giá rẻ hơn 10 lần so với UAV Shahed của Iran.

Các UAV mồi nhử có thể mang theo thuốc nổ hoặc thiết bị trinh sát, và trong một số trường hợp không được trang bị gì. Chúng được phóng cùng với các UAV tấn công để đánh lạc hướng hệ thống phòng không Ukraine.

"Đôi khi chúng là mồi nhử, đôi khi thì không. Tất cả đều nhằm mục đích tạo ra nhiều vấn đề hơn cho hệ thống phòng không Ukraine, gây lãng phí nhiều nguồn lực vào việc theo dõi, phát hiện, và tấn công", ông Borsari cho biết.

nga ukraine uav.jpg
Biểu đồ số lượng UAV và tên lửa Nga phóng vào Ukraine theo từng tháng. Ảnh: Kyiv Independent

Xu hướng tấn công trong tương lai

Nhà phân tích quân sự Sascha Bruchmann tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London cho rằng, yếu tố chính tác động tới quy mô các cuộc tấn công bằng UAV của Nga là số lượng UAV mà họ có thể sản xuất.  

Trong đó, nhà máy chuyên sản xuất UAV Shahed được cho là nằm ở đặc khu kinh tế Alabuga ở Cộng hòa Tatarstan của Nga. Ban đầu, nhà máy dự kiến sản xuất 6.000 UAV/năm. Song hồi tháng 5, WSJ cho biết nhà máy đã vượt tiến độ, và sản xuất được 4.500 UAV vào cuối tháng 4.

Ukraine từng dùng thành công UAV tấn công nhà máy này vào đầu tháng 4. Song ông Bruchmann cho rằng xét đến sự gia tăng các cuộc tấn công bằng UAV Nga trong những tháng gần đây, vụ tập kích của Ukraine đã không thể làm gián đoạn đáng kể hoạt động của nhà máy.

Ông cũng dự đoán “số lượng UAV được phóng vào Ukraine thậm chí còn cao hơn mỗi ngày trong những tuần tới". Tuy nhiên, ông nói thêm không chắc Nga có đủ linh kiện để đáp ứng nhu cầu sản xuất số lượng lớn UAV trong dài hạn hay không.

Hồi tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những nhà cung cấp linh kiện được sử dụng trong UAV của Nga.

Theo ông Bruchmann, vẫn còn quá sớm để nói việc Nga tăng số lượng UAV trong mỗi đợt tấn công có phải là xu hướng dài hạn hay không. Bởi có thể Nga chỉ đang triển khai kho dự trữ UAV, trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025. Ông nói thêm, hành động của Nga có thể đang đặt nền tảng cho một cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev do Washington dẫn đầu.