“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu cho thấy quân đội Nga lập nên một lực lượng tấn công ở Belarus. Nhưng luôn và sẽ luôn có những mối đe dọa, nên chúng tôi đang phản ứng với việc điều thêm binh sĩ tới phía bắc”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Oleksii Hromov, quan chức cấp cao thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, nói trong buổi họp báo ở Kiev hôm nay (27/10).

Ông Oleksii Hromov. Ảnh: Ukrinform 

Tới nay, chính quyền Nga và Belarus chưa đưa ra bình luận về những tuyên bố trên của ông Hromov.

Theo hãng tin CNN, đây là lần thứ hai ông Hromov tuyên bố về “những mối đe dọa tiềm tàng từ phía bắc” trong vòng một tuần qua. Trước đó, vị quan chức này đã lên tiếng cảnh báo về những dấu hiệu cho thấy quân đội Nga “sẽ mở một mặt trận mới nhằm cắt các đường tiếp tế nhu yếu phẩm quân sự của Ukraine”. 

“Trong tình huống các lực lượng vũ trang đối phương quyết định mở ‘mặt trận thứ hai’, tức tiến hành các hoạt động tấn công từ Belarus, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp trả tương xứng”, ông Hromov khi đó nói.

Mỹ đẩy nhanh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ở châu Âu 

Tờ Politico hôm nay (27/10) dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên thân cận vấn đề nói rằng, chính quyền Washington đã quyết định tăng tốc quá trình hiện đại hóa các loại bom hạt nhân được nước này triển khai ở nhiều căn cứ quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu.

“Sự xuất hiện của loại bom hạt nhân B61-12 được cải tiến ở châu Âu, vốn sẽ được triển khai vào mùa xuân năm sau, đã được lên kế hoạch thực hiện vào tháng 12 tới. Quyết định trên đã được các quan chức quân sự Mỹ thông báo với những quốc gia đồng minh trong khối NATO tại cuộc họp kín ở Brussel (Bỉ) hồi đầu tháng này”, nguồn tin giấu tên nói.

“Động thái trên, có liên quan tới việc thay thế các quả bom hạt nhân đã lạc hậu bằng những loại vũ khí tương tự tiên tiến hơn được đặt tại nhiều kho quân sự trên khắp châu Âu”, nguồn tin nói thêm.

Khi phóng viên tờ Politico đặt câu hỏi về liệu động thái thay thế bom hạt nhân đặt tại châu Âu trên có phải là để ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, Lầu Năm Góc đã bác bỏ việc này liên quan tới tình hình chiến sự gần đây ở Ukraine.

“Việc hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân B61 của Mỹ đã được tiến hành trong nhiều năm qua, và các phương án để đổi những loại vũ khí cũ một cách an toàn và có trách nhiệm bằng phiên bản bom B61-12 được cải tiến là một phần của nỗ lực hiện đại hóa đã được lên kế hoạch trong dài hạn. Việc này không liên quan tới những sự kiện đang xảy ra ở Ukraine”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói.