Theo nguồn tin từ Cục Truyền thông chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, máy bay không người lái (UAV) bị bắn hạ trên có thể là loại Shahed do có hình dáng tam giác đặc trưng. “Các binh sĩ Ukraine đã chạm trán với chiếc UAV trên ở khu vực gần thành phố Kupiansk, giữa lúc chính quyền Kiev mở cuộc tấn công nhằm vào phòng tuyến của quân Nga tại tỉnh Kharkiv”, hãng tin AP dẫn thông cáo từ Cục Truyền thông chiến lược Ukraine, viết.

Bức ảnh chụp xác chiếc UAV nghi sản xuất từ Iran. Ảnh: Cục Truyền thông chiến lược Ukraine.

Dựa trên bức ảnh được truyền thông Ukraine cung cấp, phần cánh của chiếc UAV có ghi dòng chữ “M214 Gran-2”, và dòng chữ này không hề tương ứng với tên của những loại vũ khí có trong biên chế quân đội Nga từng được công bố.

Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc tới nay chưa đưa ra bình luận về thông tin lính Ukraine bắn hạ UAV nghi được sản xuất bởi nước này.

Theo hãng tin CNN, giới chức tình báo Mỹ hồi đầu tháng trước từng nói rằng họ đã nắm trong tay nhiều báo cáo cho thấy các binh sĩ Nga “bắt đầu quá trình huấn luyện sử dụng những loại máy bay không người lái (UAV) tại Iran hồi tháng Bảy”. 

“Iran đã trưng bày hai loại UAV Shahed-191 và Shahed-129 cho quan chức quân sự Nga chiêm ngưỡng ở sân bay Kashan thuộc khu vực phía nam thủ đô Tehran, và cả hai loại khí tài này đều có khả năng mang theo các loại tên lửa dẫn đường chính xác cao”, một quan chức tình báo giấu tên của Mỹ khi đó nói.

Ukraine lại thúc giục Mỹ cấp tên lửa tầm xa

Bài viết được Tạp chí phố Wall (WSJ) đăng hôm 12/9 cho thấy, đơn yêu cầu viện trợ vũ khí mới nhất của chính quyền Ukraine lại tiếp tục muốn Mỹ cung cấp cho quân đội nước này các loại tên lửa chiến thuật tầm xa.

Cụ thể, chính quyền Kiev muốn Washington "cung cấp loại đạn Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140 có tầm bắn lên tới 300km; các xe tăng; máy bay không người lái (UAV); nhiều hệ thống pháo binh; tên lửa chống hạm Harpoon và khoảng 2000 quả đạn thông thường dành cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và pháo phản lực đa nòng M270".

Theo nhận định của một số chuyên lược gia Nga và Ukraine, việc chính quyền Kiev muốn Washington cung cấp các loại tên lửa có tầm bắn lên tới 300km là nhằm mục đích khiến Nga “phải chịu nhiều tổn thất hơn nữa, nhất là khi các loại tên lửa được viện trợ có tầm bắn xa hơn khi nhắm tới các mục tiêu đối phương”.