Khách tham quan dùng điện thoại lưu lại hình ảnh được công nghệ “AI Deep Learning” tạo ra bằng cách học theo nét vẽ và phong cách tranh của họa sĩ tại triển lãm "Bùi Xuân Phái với Hà Nội" |
Tại buổi tọa đàm ứng dụng công nghệ trình chiếu trong không gian nghệ thuật được tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 30/10/2019, đại diện Bảo tàng Hà Nội đã khẳng định sự quan trọng của công nghệ trình chiếu trong việc thể hiện không gian nghệ thuật, đưa các tác phẩm đến gần hơn với công chúng theo những cách rất mới.
Một minh chứng cho nhận định trên là việc mới đây lần đầu tiên công nghệ trình chiếu đa phương tiện đã được ứng dụng trong triển lãm tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Triển lãm đã làm sống lại những tác phẩm của danh họa và thu hút đông đảo khách tham quan.
Triển lãm “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” chính thức mở cửa từ ngày 10/10/2019, tính đến ngày 30/10/2019, triển lãm đã thu hút 9.384 lượt khách, trong đó có 7.396 khách trong nước, 1.988 khách nước ngoài. Bằng cách thể hiện đa phương tiện, 200 bức tranh của Bùi Xuân Phái đã được tái hiện một cách sống động, giúp khách tham quan được trải nghiệm đa giác quan.
Với các bức tranh gốc của Bùi Xuân Phái đa phần là tranh nhỏ, khi trình chiếu trong không gian triển lãm, mỗi bức tranh cần được phóng lớn lên hàng trăm lần nên cần có một thiết bị trình chiếu đảm bảo đầy đủ về chất lượng, màu sắc, độ sáng và độ phân giải tốt nhất. Đó cũng chính là lý do mà Ban tổ chức lựa chọn sử dụng hàng chục máy chiếu laser chuyên dụng của Panasonic. Công nghệ “Projection Mapping” giúp chiếu lên các bề mặt phức tạp với các góc chiếu khác nhau, đồng thời kết nối các máy chiếu để tạo ra một chuẩn hình ảnh đồng nhất xuyên suốt không gian triển lãm.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ về giá trị mà công nghệ trình chiếu mang lại. |
Họa sĩ Đặng Thị Khuê, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi rất vui và xúc động khi đã có những giải pháp công nghệ ứng dụng thành công vào không gian nghệ thuật tại Việt Nam. Thông qua triển lãm, công chúng, các thế hệ sau này, các đồng nghiệp như tôi thấy được giá trị của Bùi Xuân Phái rất cụ thể và những tác phẩm của ông đã đến gần hơn với công chúng”.
Đặc biệt hơn, triển lãm còn tăng tương tác với khách tham quan nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI Deep Learning) trong nhận diện hình ảnh. Hình ảnh của mỗi khách tham quan được công nghệ “AI Deep Learning” học theo nét vẽ và phong cách tranh của họa sĩ và tạo ra các hình ảnh phái sinh theo đường nét và phong cách đó. Đây chính là điểm đặc biệt giúp thu hút thêm khách tham quan đến bảo tàng.
Ông Lê Huy Thanh Hoàng - Chuyên gia về giải pháp trình chiếu của Panasonic trình bày về giải pháp |
Toàn bộ giải pháp trình chiếu và công nghệ được sử dụng tại Triển lãm “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” do Công ty Panasonic System Solutions Asia Pacific, Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam, Công ty TNHH Sense Art tài trợ thực hiện.
Ông Lê Huy Thanh Hoàng, chuyên gia về giải pháp trình chiếu của Panasonic cho biết: “Với mong muốn đưa cảm nhận gần gũi đến cho khán giả, chúng tôi đã cố gắng sử dụng công nghệ trình chiếu, tương tác đưa vào không gian triển lãm mong tác phẩm của họa sĩ đến với người xem theo cách mới mẻ. Về công nghệ có 3 điểm nhấn là thiết bị trình chiếu, công nghệ hình ảnh và công nghệ sản xuất nội dung, bên cạnh đó là công nghệ 3D mapping và projection mapping để giúp chiếu hình ảnh trên các bề mặt đa diện với các góc chiếu phức tạp, khó nhưng vẫn đưa lại được hình ảnh sống động và đầy đủ”.
Được biết, các công nghệ trình chiếu hàng đầu của Panasonic đã được sử dụng tại nhiều sự kiện mang tầm cỡ quốc tế như Olympic và Paralympic và sắp tới sẽ được sử dụng tại thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.