Trao đổi với phóng viên Báo VietNamNet bên lề Hội nghị khoa học thường niên Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam ngày 20/10, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.

Lấy ví dụ trong chẩn đoán, bác sĩ Khánh cho biết nhiều máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống cộng hưởng từ 3.0, hệ thống cắt lớp 512 lát cắt, đặc biệt là ứng dụng AI trong phát hiện sớm tổn thương xương khớp.

Với điều trị, các phẫu thuật viên có sự hỗ trợ đắc lực của những hệ thống như robot hay định vị giúp phẫu thuật có độ chính xác cao. 

Ngoài ra, các kỹ thuật khác như phẫu thuật ít xâm lấn, nội soi khớp (đặc biệt là khớp nhỏ), nội soi cột sống, kết hợp xương, phẫu thuật cột sống không còn đường mổ lớn… giúp người bệnh ít đau đớn, chi phí giảm, tiết kiệm thời gian và nhanh chóng bình phục. 

phau-thuat-chinh-hinh-1.jpg
PGS Khánh (thứ 2 từ trái sang) cùng cộng sự phẫu thuật nội soi điều trị cho bệnh nhân, ngày 20/10. Ảnh: BVCC

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho hay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, robot trong phẫu thuật cột sống, thay khớp gối đã được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả tối ưu cho thầy thuốc và bệnh nhân. 

Cụ thể, trước khi phẫu thuật, các thầy thuốc có thiết kế, dựng khuôn hình tổn thương bằng phim chụp cắt lớp, sau đó nhập dữ liệu đó vào máy tính. Hệ thống máy tính sẽ phân tích xem kích cỡ, mức độ hay độ sâu tổn thương, từ đó đưa ra gợi ý về độ nông – sâu, dày- mỏng của lát cắt, từ đó thiết kế trên hệ thống robot.

Sau đó, các dữ liệu được cài hệ thống chương trình, cánh tay robot "cho phép" thầy thuốc cắt đúng kích thước mong muốn, đúng kích cỡ tổn thương của người bệnh. 

Ngoài ra, AI cũng giúp cá thể hóa việc điều trị cho từng bệnh nhân. Ví dụ trong thay khớp, AI hỗ trợ bác sĩ tính toán, thiết kế đặc thù cho mỗi người bệnh với chiều cao, độ tuổi, giới tính, tổn thương riêng biệt… Tổn thương được dựng hình lên trước, đưa dữ liệu vào máy tính, với mô hình được tính toán giúp bác sĩ đánh giá nhanh tổn thương. 

"Với những tổn thương phức tạp như gãy xương chậu hay vỡ xương ổ cối, AI giúp thầy thuốc có thể dựa trên phim cắt lớp để dựng hình 3 chiều giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương, lựa chọn đường vào, lựa chọn vật liệu dự kiến cố định. Điều này giúp việc phẫu thuật đạt độ chính xác, hoàn hảo cao nhất, lợi ích cuối cùng là giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất có thể", bác sĩ Khánh cho hay.  

Cũng liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, theo vị chuyên gia, các thầy thuốc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thiết kế các nghiên cứu ứng dụng AI giúp phát hiện sớm ung thư xương tiềm ẩn hoặc tổn thương dây chằng, tổn thương không đặc hiệu... 

Bên cạnh hội nghị khoa học thường niên thu hút gần 120 bài báo trong đó có nhiều báo cáo viên quốc tế từ châu Âu, châu Á tham dự, chiều 20/10, Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2023 - 2028. PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh được bầu làm Chủ tịch hội.