Nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung bằng các hình thức phong phú, thông minh hơn.

Trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng trong hoạt động báo chí ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt bình luận, sản xuất video, cho đến viết tin, bài tự động đã có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo. 

Một số công nghệ trí tuệ nhân tạo nổi bật được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 như sản sinh ngôn ngữ tự nhiên (natural language generation), nhận dạng giọng nói (speech recognition), trợ lý ảo (virtual assistant), sinh trắc học (biometrics), học máy (machine learning), học sâu (deep learning), phần cứng tối ưu hóa cho trí tuệ nhân tạo…

AI được phát triển và ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực báo chí ở nhiều nước trên thế giới.

Thế mạnh của trí tuệ nhân tạo là xử lý dữ liệu lớn để cho ra các kết quả nhanh chóng, chính xác và toàn diện hơn. Ví dụ, khi phóng viên cần viết về một đề tài nào đó, trí tuệ nhân tạo có thể “quét” khắp các cơ sở dữ liệu để thu thập các dữ liệu có liên quan và thậm chí có thể gợi ý, đề xuất những hướng xử lý. 

Không chỉ nâng tầm cho khả năng của con người, trí tuệ nhân tạo còn giúp các nhà báo có thêm thời gian và trí tuệ để giải quyết các vấn đề chính yếu, không còn tốn thời gian cho những công việc sự vụ hay nhàm chán.

Trí tuệ nhân tạo thực hiện vai trò kết nối giữa báo mạng điện tử và độc giả. Nhờ vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các trang báo mạng có thể tạo ra các robot hỗ trợ trả lời tự động (Bot) thông minh để cá nhân hóa và tự động hóa sự tương tác với khán giả. Một Bot có thể học ngôn ngữ của con người và trả lời các thắc mắc của độc giả. Người dùng có thể lựa chọn tin, nhập từ khóa nội dung mà họ muốn tìm kiếm hoặc ra lệnh bằng giọng nói.

Trí tuệ nhân tạo cùng với các công nghệ số mới là công cụ không thể thiếu trong tác nghiệp báo chí. Vì vậy, ngày 11/8, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long tổ chức chương trình tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí và xử lý hậu kỳ sản phẩm báo chí”. 

Chương trình có sự tham gia của gần 50 đại biểu đang công tác tại các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long và Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố.

Quang cảnh buổi tập huấn. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Hồng Thư, lớp tập huấn nhằm trang bị cho hội viên, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của các cơ quan báo chí trong tỉnh kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp; đồng thời thúc đẩy việc tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nghiệp vụ của cơ quan báo chí, góp phần nâng cao năng suất làm việc, tối ưu hóa quy trình tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí.

Các học viên được chuyên gia Phạm Tấn Anh Vũ, Trưởng đại diện khu vực phía Nam Công ty Cổ phần giải pháp trí thông minh nhân tạo Việt Nam VAIS trao đổi những nội dung về cách thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí. 

Một số dung chính được chia sẻ như: Áp dụng công nghệ để chuyển đổi băng video, ghi âm thành văn bản lưu trên máy vi tính hoặc điện thoại; áp dụng trí tuệ nhân tạo để tạo công cụ cho phóng viên, biên tập viên khai thác thông tin và biên tập bài viết; ứng dụng công nghệ để chuyển các nội dung họp online thành văn bản mà không cần tham dự cuộc họp vẫn ghi chép đầy đủ; áp dụng trí tuệ nhân tạo để bóc tách nội dung từ băng video thành văn bản; áp dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng một người dẫn chương trình ảo biết đọc bản tin chính xác, không vấp lỗi chính tả sử dụng trong các tình huống khẩn cấp không có người dẫn chương trình hoặc phát thanh viên...

Chuyên gia Phạm Tấn Anh Vũ chia sẻ cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí. 

Ông Phạm Tấn Anh Vũ cho biết, để tạo ra một tác phẩm báo chí, người phóng viên cần thực hiện nhiều công đoạn như phỏng vấn, quay phim, đi thực tế, xử lý thông tin… do đó thời gian thực hiện đôi khi mất nhiều thời gian và công sức. 

Hiện nay, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên hoàn toàn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý nhanh chóng hơn các thao tác: Chuyển từ âm thanh, phim video sang văn bản; chuyển các nội dung họp online thành văn bản; bóc tách lời bình hoặc phỏng vấn trong video chuyển thành phụ đề tiếng Việt… 

Dùng trí tuệ nhân tạo sẽ giảm thời gian thao tác, đồng thời giúp phóng viên, biên tập viên khai thác thông tin và biên tập bài viết một cách hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động báo chí cần phù hợp, có đối chiếu với thông tin đầu vào và tránh lạm dụng để đảm bảo ứng dụng hiệu quả vào hoạt động báo chí, truyền thông.

Mạnh Hưng và nhóm PV, BTV