Nước đặc biệt cần thiết cho sự sống và chiếm hàm lượng khá lớn trong cơ thể. Uống đúng và đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cơ thể bạn đỡ mệt mỏi, tinh thần minh mẫn, giảm táo bón, phòng bệnh sỏi đường tiết niệu, cải thiện lưu lượng máu, giữ ẩm cho da, giúp làn da mịn màng…

Các chuyên gia khuyến cáo chung mỗi người nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên việc uống nước bao nhiêu nên tùy vào cân nặng và độ tuổi từng người. 

Theo đó, người có cân nặng khác nhau cần bổ sung lượng nước khác nhau, trẻ con và người trưởng thành cũng có lượng nước cần cung cấp mỗi ngày khác nhau. 

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn Dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), người trưởng thành từ 18 đến dưới 50 tuổi, không có bệnh lý,  được khuyến cáo uống nước 40ml nước/kg cân nặng/ngày.

Theo đó, người có cân nặng 40kg được khuyến cáo uống khoảng 4x40 tức là 1,6 lít nước/ngày. Người cân nặng khoảng 50kg sẽ uống 5x40 tương đương 2 lít nước/ngày. 

“Như vậy, tùy thuộc mức độ cân nặng, độ tuổi chúng ta nên uống lượng nước khác nhau”, TS.BS Hưng nói.

Người cao tuổi sẽ uống nước ít hơn, khoảng 35ml/kg/ngày. Người cao tuổi hơn nữa mức uống sẽ giảm, còn 30ml/kg/ngày. TS.BS Hưng lý giải, khi cao tuổi khả năng chuyển hóa của các cơ quan tim, gan… giảm nên nhu cầu nước sẽ giảm đi. 

Ngoài ra, một số bệnh lý cũng hạn chế uống nhiều nước. Nhóm đối tượng hạn chế uống nước gồm người mắc bệnh thận, tim mạch. Họ cần hạn chế lượng nước nạp vào cơ thể để đỡ gây áp lực cho các bộ phận.

Cụ thể với thận, thận đóng vai trò quan trọng trong việc giải độc. Một lượng chất thải cần được thận xử lý để bài tiết ra bên ngoài dưới dạng nước tiểu. Bởi vậy, bác sĩ thường gợi ý những người khỏe mạnh uống nhiều nước để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

Tuy nhiên, với những người yếu thận, giải pháp này không thích hợp. Bởi chức năng thận suy giảm nên khả năng trao đổi chất cũng kém hơn. Uống nhiều nước trong thời gian ngắn sẽ tăng gánh nặng lên thận và làm tình hình xấu đi.

Tương tự nếu một người bị bệnh tim, lượng nước hấp thụ vào quá nhiều sẽ tăng áp lực lên phổi, gây ra tình trạng khó thở. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị nghẹt thở hoặc suy tim, nguy hiểm tới tính mạng.

Nếu bạn đang bị các bệnh như xơ gan, chai gan, bạn cũng cần kiểm soát lượng nước uống mỗi ngày. Khi bạn nạp quá nhiều nước vào người, sẽ khiến cho bụng tích tụ nhiều dịch, gây ra tình trạng tuần hoàn dịch bị rối loạn.

Như vậy, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo, với trường hợp có các bệnh lý trên, chúng ta cần theo khuyến nghị của bác sĩ chuyên khoa để bổ sung nước hợp lý nhất.

Ngọc Trang