Cho dù đã có 30 năm đổi mới với nền kinh tế thị trường, cả XH này, từ các vị lãnh đạo, các nhà quản lý XH, đến giới trí thức tinh hoa và mỗi thường dân chúng ta, vẫn nợ đất nước hai chữ ngắn gọn mà cam go- Phát triển!

 “Vung tay quá trán”   

Đó là thành ngữ dân gian mà cha ông ta từ xa xưa dùng để ám chỉ việc làm ăn, sinh sống của con người không khéo léo, giỏi giang. Và thành ngữ này được Ts Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) ví von với một hiện tượng đáng lo ngại- nợ nần của nước Việt.

Sao không lo ngại được, nếu như cái thành ngữ ấy vẫn đang “ngoan cố” …. linh nghiệm với nước Việt thời hiện đại, dù hẳn không ai muốn, nhất là một khi thềm nhà đã có …TPP.

Trong báo cáo gửi tới các ĐBQH tại Kỳ họp QH khóa 13 về tình hình kinh tế năm 2015, CP đã thừa nhận: Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ. Tổng chi ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng đã khiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 lên tới 256 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,1% GDP, cao hơn mức đã báo cáo QH (VietNamNet, ngày 22/3)

Đến mức, ta đã phải chạy đôn đáo khắp nơi, và tổng số tiền vay mượn trong quý I đã lên tới 116 nghìn tỷ đồng, mục đích chỉ để “trang trải nợ nần”.

{keywords}

Mặc dù, tính đến ngày 31/12/2015, nợ công của VN vẫn dưới mức cho phép 65% GDP, nhưng người viết bài lưu ý bạn đọc, xưa nay, cách tính của VN và cách tính nợ công theo tiêu chí quốc tế rất khác nhau. Dù vậy, rất đáng suy nghĩ khi các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chỉ ra căn nguyên: Đó là phần lớn do thâm hụt ngân sách lớn (mất cân đối thu - chi ngân sách); nợ của các tập đoàn, DN Nhà nước, nợ do sử dụng một số khoản ODA không hiệu quả…

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), hiện nay nợ CP đã đến ngưỡng nguy hiểm, đặc biệt là vay nợ nước ngoài đã vượt ngưỡng khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi điều kiện, khả năng trả nợ của VN vô cùng mỏng manh (Đất Việt, ngày 24/3)

{keywords}
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn. Ảnh: NDH

Nước Việt đã trải qua 30 năm kinh tế thị trường, còn quá ngắn ngủi so với các quốc gia có hàng trăm năm đi trước. Nhưng sự đi sau cũng có lợi, những bài học xương máu của nhân loại bao giờ cũng giúp cho các quốc gia đi sau có thể nhanh hơn về tốc độ, chứ không thể một bước tiến ba bước lùi. Nhất là có những quốc gia vốn bị coi là chậm tiến đã dần dần có những lĩnh vực vượt cả VN.

Phải chăng, có vấn đề của quản lý hay còn gì nữa?

Được biết mới đây một quan chức cao cấp đã đề nghị các nhà kinh tế tính toán, xem VN có thể đều đều đạt mức tăng trưởng 8% hằng năm cho tới năm 2020? Câu trả lời là không thể.

Nhưng mức tăng thu ngân sách lại là… có thể. Nếu biết rằng, năm 2016, CP đặt ra mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% ước thực hiện của năm 2015. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của VN đặt ra kế hoạch vượt con số 1 triệu tỉ đồng, tương đương 20% GDP dự báo của năm 2016.

Còn TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn chỉ ra nguyên nhân là ở ngân sách địa phương - nơi được phân cấp một nửa ngân sách quốc gia - tính kỷ cương, kỷ luật tài khóa hết sức lỏng lẻo và có nhiều bất cập (VietNamNet, ngày 22/3).

Sự mổ xẻ nguyên nhân và cảnh báo là rất cụ thể. Có điều, câu trả lời về giải pháp dường như…. chưa thể.

Được biết mới đây, tại cuộc họp tổ QH ngày 24/3, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cảnh báo: Chắc chắn quý này GDP sẽ sụt giảm vì hạn mặn. Chưa qua cái có thể này, đã tới cái có thể khác.

{keywords}
Phiên họp Quốc hội.. Ảnh: H.Long

“Ưu khuyết nhiệm kỳ”?

Như một tất yếu, sự tổ chức mô hình, thể chế và sự điều hành mỗi quốc gia, dù văn minh nhất, tiên tiến nhất vẫn có những khiếm khuyết không tránh khỏi. Vấn đề là thể chế, chính sách quốc gia đó góp phần hạn chế hay ngược lại, gia tăng, kích thích quốc gia đó phát triển, hay ngược lại?

Một điểm đặc biệt của QH khóa 13 đang diễn ra tại HN dịp này, đó là kỳ họp cuối cùng của khóa. Để rồi, sau kỳ họp này, một bộ máy lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và QH khóa mới sẽ ra mắt, gánh vác nhiệm vụ mà lãnh đạo và QH khóa cũ chuyển giao.

Chính vì thế, trong tuần, dư luận XH còn quan tâm chú ý tới những báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016, thực chất là sự điểm lại những hay dở, ưu khuyết của cả một quá trình điều hành trước khi có sự chuyển giao quyền lực.

Ngoài chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, QH còn có chức năng giám sát. Thực tiễn cho thấy một thực tế, việc giám sát sử dụng nguồn vốn vay ODA còn bất cập. Đây là một trong những điểm căn cốt liên quan đến phát triển quốc gia.

Đó là thừa nhận trách nhiệm về những tồn tại, non yếu của đất nước. Nhất là chức năng giám sát của cơ quan lập pháp vẫn còn hạn chế. Có không ít những vụ việc, vấn đề bất cập còn tồn tại chậm được giải quyết, gây bức xúc trong đời sống xã hội.

Nhưng QH cũng là nơi hội tụ của 500 ĐBQH đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân. Họ thay mặt nhân dân cả nước quyết định các vấn đề liên quan lợi ích của đất nước và của người dân, đại diện và bảo vệ lợi ích của người dân. Điều đó đòi hỏi các ĐBQH (chuyên trách 30%; không chuyên trách 70%) không chỉ làm tròn bổn phận nói lên ý nguyện của người dân, mà còn có phát ngôn và hành xử chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, năm qua đi tháng qua đi, trải qua không biết bao khóa họp, kỳ họp, chất lượng các kỳ họp QH vẫn là điều còn được đề cập với đầy đủ cung bậc buồn vui

Đó là chất lượng các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn của các ĐBQH, cũng tức là trả lời chất vấn của các cử tri, vẫn còn vấn đề phải bàn.

Đó là hiện tượng một số ĐBQH “trốn họp”, thậm chí nhờ “bạn” bên cạnh điểm danh hộ. Vậy cử tri họ biết gửi nguyện vọng, ý kiến của họ nơi…. mô?

Đó là việc có những ĐBQH phát ngôn ấn tượng đến mức dư luận XH đàm tiếu. Báo chí hài hước. Chủ tịch QH mới đây đã phải nhận xét: Có những phát ngôn chưa chuẩn xác.

Đó là việc vẫn có những ĐBQH vi phạm pháp luật đến mức bị bãi nhiệm, một đi không trở lại.

Như thế nào để quốc gia phát triển- nếu không phải là đặt lợi ích dân tộc lên trên hết? Nếu không phải là phải tiếp cận được những giá trị văn minh về thiết chế, mà loài người, trải qua bao máu và nước mắt mới có thể thiết lập nên, dâng hiến cho nhân loại. Nếu không phải là một thể chế mà pháp luật phải độc lập và thượng tôn, để lợi ích nhóm cũng phải bị coi nguy hại không kém giặc tham nhũng. Và phải bị loại trừ.

Một cơ quan QH như thế nào để xứng tầm với sự phát triển của quốc gia, chắc chắn còn là bài toán đòi hỏi nhiều đáp số, nhưng làm sao để số ĐBQH chuyên trách nâng đến tỷ lệ 40% như vị Chủ tịch QH đề xuất, làm nòng cốt trong xây dựng luật, hoạt động giám sát… là rất cần thiết.

Một diện mạo lãnh đạo mới của Nhà nước và QH như thế nào? Câu hỏi đó sẽ được trả lời trong vài ngày tới, khi “nội các” mới trình làng, nhưng mong muốn dàn lãnh đạo mới này có tư duy trẻ, có phương thức quản lý, hoạt động giám sát bảo đảm công khai- minh bạch, là điều mà mọi cử tri gửi đến và chờ đợi họ.

Có khó lắm không?

Nợ thì nợ mà xài sang vẫn xài sang

Lại xin được mượn câu ví dặm của người Nghệ - Tĩnh Tĩnh để … ví von về cái sự nợ thì nợ mà xài sang vẫn xài sang của nước Việt nói chung, các địa phương nói riêng 05 năm qua. Đó là trong khi nước Việt nợ đến ngưỡng nguy hiểm, thì những công trình nghìn tỷ- những trụ sở, trung tâm hành chính, UBND tỉnh, những dự án tượng đài của các địa phương thi nhau mọc lên, làm cả XH phải ngả mũ kính chào và cả bất bình vì độ chịu chơi.

Bởi sau cái độ cao của chịu chơi, là độ …. cao của văn hóa “con gà tức nhau” không chịu kém.

Sau cái độ cao của chịu chơi, là độ…. thấp của mức sống của người dân ở các tỉnh đó.

Bất bình, vì cả nước có 63 tỉnh, t/p thì trong đó chỉ có khoảng 13 tỉnh, t/p có nguồn thu nộp ngân sách, còn lại 50 tỉnh, t/p hàng năm đều phải xin TƯ hỗ trợ, trợ cấp, điều tiết ngân sách. Mặc, các tỉnh, t/p đó vẫn cứ say mê thi nhau “cất tiếng gáy” bằng đồng tiền thuế của dân.

Chưa nói các tỉnh nghèo khó, như Nghệ An, tổng chi ngân sách (năm 2014) hơn 16.000 tỷ đồng, thì ngân sách TƯ phải bổ sung đã là 10.000 tỷ đồng. Ngay Hải Phòng tự cho mình là t/p đóng góp nhiều hàng năm cho TƯ, xây TT Hành chính - chính trị, tổng vốn 10.000 tỷ đồng, cũng xin hỗ trợ 6.800 tỷ đồng. Chưa kể, tình trạng đầu tư công hết sức tràn lan. Một số tỉnh, t/p chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và dự án đang thi công dang dở, nhưng vẫn không ngừng khởi công các công trình mới (VietNamNet, ngày 29/12/2015).

Đúng là nợ thì nợ xài sang vẫn xài sang!

{keywords}
Ảnh: Tuổi trẻ

“Cửa” ODA có còn rộng mở?

Giữa lúc câu chuyện nợ công, nợ CP chưa biết kiếm tiền đâu để trả, còn các dự án nghìn tỷ của các địa phương vẫn xây tràn lan, một thông tin khác có lẽ khiến không ít địa phương bị hẫng hụt. Đó là chuyện đến tháng 07/2017, WB sẽ chấm dứt nguồn vốn ODA với VN. Nước Việt phải chuyển từ nguồn vay ưu đãi, sang vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

Trong thực tế 10 năm qua (2005-2015), 15 tỉ USD vốn ODA được CP vay về cho các địa phương đầu tư vào các chương trình, dự án, thì khoảng 14 tỉ USD được TƯ cấp phát cho các địa phương. Cung cách cấp phát này dẫn đến nhiều di lụy. Các địa phương thường có tâm lý trông chờ, ỉ lại. Rút cục mọi rủi ro đầu tư TƯ gánh, kiểu quýt làm cam chịu.

Cơ sở để WB có quyết định thay đổi cách đầu tư, theo các báo Dân trí, Tuổi trẻ, Xây dựng (ngày 22/3), ông Trương Hùng Long (Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại- Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2010, VN đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Nếu như giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn thì 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp, vừa vốn tài trợ vừa vốn thương mại kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc.

Nhưng người viết bài lại cho rằng việc xiết chặt lại vốn vay ODA là dấu hiệu tích cực, cần thiết:

Ở tầm vĩ mô, chứng tỏ sự tăng trưởng và mức thu nhập của nước Việt đã có tiến bộ, thoát khỏi diện …. dưới trung bình.

Ở tầm vi mô, cánh “cửa chùa” ODA không còn rộng mở nữa, việc VN phải tuân thủ có vay có trả, sẽ buộc các địa phương có ý thức hơn trong quản lý, sử dụng vốn vay. Bởi trong thực tế ở các địa phương, vẫn luôn tồn tại tâm lý bắt nguồn từ thời bao cấp, cứ nói đến vốn vay ODA là nhiều quan chức nghĩ tới loại “viện trợ không hoàn lại”. Mặc dù thực chất vốn vay ODA từ lâu có tính lãi suất thấp, chứ không phải một loại “tiền chùa”. Do coi là “tiền chùa”, việc quản lý, giám sát lại lỏng lẻo, nên sự thất thoát nguồn vốn này như là… đương nhiên.

Tuy nhiên, việc phải trả lãi suất theo điều kiện thị trường, thông qua hình thức vay lại vốn ODA từ CP liệu có khiến các địa phương phải biết ăn cây nào rào cây ấy? Hay vẫn vung tay quá trán như thuở ban đầu “viện trợ không hoàn lại”? Và rút cục người dân lại è cổ gánh chịu?

Thế cho nên quan trọng hơn cả chuyện chuyển đổi từ việc CP “cấp phát” ODA sang “vay lại vốn” ODA từ CP, là chuyện nước Việt phải xây dựng một nền kinh tế thị trường, tuân theo quy luật nền kinh tế thị trường, chứ không thể là những mệnh lệnh hành chính duy ý chí, hàm chứa tư duy xin- cho. Ở nền kinh tế đó, chỉ có sự cạnh tranh công bằng của tài năng, không thể có sự cạnh tranh mang “bóng dáng” của chiếc ghế quyền lực.

Cho dù đã có 30 năm đổi mới với nền kinh tế thị trường, cả XH này, từ các vị lãnh đạo, các nhà quản lý XH, đến giới trí thức tinh hoa và mỗi thường dân chúng ta, vẫn nợ đất nước hai chữ ngắn gọn mà cam go- Phát triển!

Kỳ Duyên