Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội làm việc với UBND các tỉnh khu vực phía Bắc về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án. Các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án nằm trên địa bàn 9 tỉnh thành.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, nhu cầu vật liệu toàn dự án ước tính khoảng 12 triệu m3 đất, 13,8 triệu m3 cát và 7,5 triệu m3 đá.
Đến nay, TP Hà Nội đã phối hợp với 9 tỉnh khảo sát 109 mỏ vật liệu xây dựng. Qua đó cho thấy tổng trữ lượng và khả năng khai thác các mỏ khoáng sản đều vượt quá nhiều lần nhu cầu của dự án đường Vành đai 4.
Tuy nhiên, một số mỏ có những khó khăn nhất định như mỏ ở gần có thể khai thác thì giấy phép hết hạn hoặc chưa có giấy phép, chưa đấu giá. “Khó khăn chính là cự ly vận chuyển đá đến vị trí thi công xa từ 50 - 80km", Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội thông tin.
Thảo luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, nhu cầu vật liệu dự án chỉ chiếm khoảng 10% trữ lượng của các mỏ đã khảo sát. Do vậy, việc cung cấp đủ vật liệu thi công đường Vành đai 4 là hoàn toàn trong tầm tay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng chia sẻ tỉnh này đã xác định, dự án đường Vành đai 4 là công trình trọng điểm quốc gia, có trách nhiệm chung của các địa phương.
“Tỉnh có trữ lượng vật liệu khoảng 500 triệu tấn, năng lực khai thác hằng năm khoảng 20 triệu tấn. Mặc dù nhu cầu trên địa bàn cũng lớn nhưng Hà Nam sẵn sàng chia sẻ để phục vụ dự án đường Vành đai 4”, ông Nguyễn Đức Vượng nói.
70% mặt bằng sạch cho ngày khởi công dự án
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện giải phóng mặt bằng. Đến ngày khởi công, địa bàn TP Hà Nội sẽ đáp ứng được 70% mặt bằng sạch cho dự án.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo dự án thống nhất giao tư vấn làm việc với các tỉnh lên phương án về các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công đường Vành đai 4. Trong đó, phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và quan trọng là giá rẻ nhất.
Cho rằng tiến độ phê duyệt các dự án thành phần đang chậm so với yêu cầu của Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các bộ, nhất là Bộ TN&MT, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án thành phần, các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà địa phương đã trình hồ sơ.
Ông Đinh Tiến Dũng lưu ý quá trình giải phóng mặt bằng phải xác định chính xác về nguồn gốc đất và diện tích đất, tránh để xảy ra sai sót.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị lãnh đạo bộ, ngành và các tỉnh trong vùng coi dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện.