Ứng dụng thương mại điện tử mở rộng thị trường trong và ngoài nước

Ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28 về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 ngày 19/5 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.

Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội, nhằm khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới; vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng.

{keywords}
Ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước là 1 trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thời gian tới.

Công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan còn được yêu cầu rà soát các chính sách, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tổ chức chương trình sản phẩm và dịch vụ CNTT “Make in Viet Nam”

Cũng tại Chỉ thị 28, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan.

Theo đó, Bộ Công Thương được yêu cầu tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối hiện đại, kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại....

Với Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí triển khai xây dựng các chương trình thường kỳ, các chuyên mục để quảng bá về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình thực hiện Cuộc vận động của các ngành, các cấp.

Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch tăng cường và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động cho người Việt Nam ở nước ngoài.

{keywords}
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh việc ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt (Ảnh: Mạnh Hưng)

Bộ TT&TT cũng có được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt (Make in Viet Nam)” hàng năm nhằm đẩy mạnh việc ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt; hỗ trợ, tạo thị trường đầu tư, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp Việt Nam góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt về CNTT.

Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa của các cơ quan, đơn vị từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Cuộc vận động.

Một trong những nhiệm vụ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là rà soát, bãi bỏ và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa và tiêu dùng, chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, hệ thống dịch vụ phân phối đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn mua sắm và sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.

Vân Anh

Công bố hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Vietnam

Công bố hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Vietnam

Hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Vietnam tại makeinvietnam.mic.gov.vn vừa được công bố. Phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời bức tranh toàn cảnh về ngành, hệ thống sẽ hỗ trợ quản lý và thúc đẩy phát triển công nghiệp ICT Việt Nam.