Trang quân sự Naval News cho biết, tàu sân bay USS Gerald R. Ford trong thời gian tới sẽ tham gia tập trận cùng các quốc gia đồng minh ở Bắc Mỹ và châu Âu.

“Việc triển khai chiếc Gerald R. Ford sẽ là cơ hội để Hải quân Mỹ và các quốc gia khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nhau tập trận và huấn luyện tại Đại Tây Dương. Đồng thời, chúng tôi sẽ thử nghiệm các công nghệ tiên tiến được lắp đặt trên con tàu này”, Phó Đô đốc Daniel Dwyer, chỉ huy Hạm đội 2 của Mỹ nói.

Tàu USS Gerald R. Ford. Ảnh: Naval Post

USS Gerald R. Ford (CVN-78) là tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Gerald R. Ford được Mỹ chế tạo và đưa vào biên chế từ năm 2017, để thay cho chiếc Enterprise (CVN-65) đã lỗi thời. Tàu có chiều dài 337m; sườn ngang rộng nhất là 76m; mớn nước 12m. Trọng tải tối đa tàu này lên tới 100.000 tấn.

Thiết kế tàu USS Gerald R. Ford. Ảnh: naval-technology.com

Tàu cần tới 2 lò phản ứng hạt nhân Bechtel A1B PWR để hoạt động. Vận tốc tàu có thể đạt 56 km/h.

Do tác chiến trên biển, nên USS Gerald R. Ford được trang bị nhiều loại radar tầm xa có thể phát hiện các mục tiêu trên biển hoặc trên không. Chẳng hạn, loại radar AN/SPY-3 được lắp trên tàu có thể theo dõi được mục tiêu đối phương ở khoảng cách 320km.

Tháp chỉ huy trên tàu USS Gerald R. Ford. Ảnh: seaforces.org 

Các hệ thống vũ khí phòng thủ được lắp đặt trên USS Gerald R. Ford khá đa dạng với ba hệ thống Phalanx CIWS bao gồm pháo sáu nòng M61A1 Vulcan cùng radar điều khiển hỏa lực; hai hệ thống Mk 29 chứa các tên lửa Sea Sparrow; hai hệ thống tên lửa phòng không RIM-116.

Trung tâm điều phối chiến đấu trên tàu USS Gerald R. Ford. Ảnh: seaforces.org 

Tuy nhiên, điều làm nên sức mạnh của USS Gerald R. Ford lại nằm ở số lượng máy bay nó có thể mang theo, khi khoang thân trong của tàu có thể chứa tới 75 tiêm kích và trực thăng các loại. 

Video: Hải quân Mỹ thử nghiệm tính bền vững của thân tàu USS Gerald R. Ford. Nguồn: US Navy