Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có vắc xin cụ thể cho bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng dữ liệu cho thấy các loại vắc xin được sử dụng để diệt trừ bệnh đậu mùa có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ lên tới 85%.
Hiện nay, WHO đang dự trữ khoảng 31 triệu liều vắc xin đậu mùa.
Dưới đây là danh sách các quốc gia đã bắt đầu cung cấp hoặc tích trữ vắc xin:
Đức: Ngày 24/5, đặt mua 40.000 liều vắc xin đậu mùa Imvanex để sẵn sàng thực hiện tiêm phòng nếu dịch đậu mùa khỉ ở nước này trở nên trầm trọng hơn.
Anh: Ngày 20/5, đề nghị tiêm vắc xin đậu mùa cho một số nhân viên y tế và những người có thể đã bị phơi nhiễm.
Đan Mạch: Sẽ nhận được 200 liều vắc xin đậu mùa khỉ từ Hà Lan và đang nghiên cứu mua thêm hàng nghìn liều nữa, khi nước này tiến hành tiêm vắc xin cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Pháp: Ngày 25/5, khuyến cáo nhân viên y tế và những người trưởng thành có nguy cơ cao từng tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ nên được tiêm phòng.
Tây Ban Nha: Ngày 25/5 cho biết sẽ mua vắc xin Imvanex, nhưng không nói rõ số liều.
Mỹ: Ngày 23/5 cho biết đang trong quá trình phân phối một số vắc xin Jynneos để sử dụng cho các ca bệnh đậu mùa khỉ. Các quan chức Mỹ cho biết có hơn 1.000 liều vắc xin trong kho dự trữ quốc gia, dự kiến số liều sẽ tăng rất nhanh trong những tuần tới.
Canada: Đã bắt đầu xem xét nguồn vắc xin Imvamune từ kho dự trữ khẩn cấp quốc gia trên toàn quốc, với một lô hàng nhỏ vắc xin được gửi đến Quebec vào ngày 23/5.
Đậu mùa khỉ là loại bệnh phổ biến ở châu Phi, nhưng đã lan sang các nước châu Âu và Mỹ. Hiện nay có khoảng 300 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ trên thế giới.
Triệu chứng bệnh dễ nhận biết là sốt, phát ban, nổi mụn nước. Thời gian lây nhiễm có thể kéo dài 4 tuần, chủ yếu qua vết cắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu, thịt hoặc chất dịch cơ thể của động vật mắc bệnh.
An Yên (Theo Reuters)