Nhận định trên được bà Trịnh Thị Thu Hằng, Trưởng phòng, Phòng Phát thanh - truyền hình, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, đưa ra trong báo cáo về: “Một số thông tin về hiện trạng quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình và vấn đề cần lưu ý”, tại hội thảo giao ban công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình giữa Bộ TT&TT với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình năm 2023, được tổ chức chiều ngày 13/10 tại TP.HCM.

ttt 6057.jpg
Bà Trịnh Thị Thu Hằng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Giám.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hằng, hiện cả nước có 35 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, phát sóng 191 kênh trong nước, 45 kênh nước ngoài và thời lượng phát sóng truyền hình theo yêu cầu (VOD) là 250.000 giờ.

Xu hướng nổi bật trong thời gian qua ở lĩnh vực truyền hình trả tiền đó là hợp tác đồng phân phối gói kênh trên dịch vụ để tăng doanh thu thuê bao. Kho nội dung VOD lớn, đa dạng nhiều thể  loại. Tỷ lệ nội dung mới cao (có loại lên đến 50%- phim). Cung cấp ngày càng nhiều nội dung VOD trực tuyến (streaming) là các chương trình thể thao trực tiếp; phim phát song song với nước sở tại; podcast... nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí mua bản quyền chương trình lớn từ 60-90 tỷ đồng/năm. Tăng cường hợp tác sản xuất chương trình với đài phát thanh, truyền hình để tạo nguồn chương trình mới cho kênh của đài và nội dung trên dịch vụ của doanh nghiệp (trong đó bắt đầu quan tâm đến sản xuất chương trình phát thanh, podcast).

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, vẫn còn đó những tồn tại, cụ thể các doanh nghiệp khi cung cấp truyền hình trả tiền vẫn diễn ra tình trạng cung cấp kênh chưa được cấp danh mục kênh; cung cấp kênh không phép. Cung cấp phim có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, mặc dù đã biên tập, làm mờ, cắt; phim có hình ảnh cờ của chế độ cũ…

Cung cấp nội dung không phù hợp với trẻ em, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Không hiển thị mức phân loại, nội dung cảnh báo trên VOD theo quy định/ hiển thị mức phân loại trên phim không đúng mức phân loại của cơ quan có thẩm quyền đã cấp. Cung cấp sự kiện thể thao trực tiếp có xuất hiện quảng cáo cờ bạc, game bài trên sàn thi đấu, băng rôn.

Đồng thời khi thực hiện thủ tục hồ sơ đề nghị cấp phép, cấp chứng nhận chưa đúng quy định, kéo dài, chậm trễ. Hợp đồng ký kết không đúng thẩm quyền, căn cứ quy định pháp luật đã hết hiệu lực. Không lập hồ sơ theo dõi nội dung VOD theo quy định. Không ban hành quy trình, quy chế liên quan đến hoạt động biên tập, quản lý nội dung.

Không có hồ sơ chứng minh nội dung VOD được thực hiện biên tập, phân loại theo quy định. Nhập khẩu phim theo hình thức văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh để phổ biến trên dịch vụ OTT TV phục vụ thuê bao truyền hình trả tiền.

ttt 6027.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hoàng Giám.

Chính vì thế, để khắc phục những tồn tại trên bà Trịnh Thị Thu Hằng cho biết, các doanh nghiệp phải cung cấp kênh theo giấy chứng nhận được cấp đảm bảo cung cấp đúng kênh chương trình của đài phát thanh và truyền hình. Nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị nhân sự trực tiếp sản xuất nội dung, biên tập nội dung; liên tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và lý luận chính trị.

Thực hiện nghiêm quy định chế độ báo cáo nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý ngành, quan tâm hệ thống hoá số liệu báo cáo, đảm bảo tính chính xác của số liệu phục vụ thống kê, tổng hợp, phân tích làm cơ sở xây dựng chính sách phát triển ngành.

Kịp thời nắm bắt quy định pháp luật chuyên ngành để áp dụng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn do cơ quan có thẩm quyền ban hành trong việc thực hiện quản trị đơn vị, doanh nghiệp, tạo nguồn thu ổn định, duy trì và phát triển đơn vị, doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp phải bố trí nhân sự đủ trình độ để thực hiện biên tập VOD và lập hồ sơ theo dõi nội dung VOD theo quy định. Triển khai các biện pháp kỹ thuật bảo đảm quản lý được người nghe, xem đối với các nội dung VOD theo các mức phân loại theo độ tuổi .

Về nhập khẩu phim sản xuất trong vài năm trở lại đây, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử lưu ý các doanh nghiệp cần rà soát kỹ nội dung để không nhập và phổ biến các phim có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, thể chế chính trị, truyền thống lịch sử, văn hoá...