Lời tòa soạn:  Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt. Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới. VietNamNet trân trọng gửi đến độc giả tuyến bài về tắt sóng 2G tại Việt Nam. 
viễn thông
Mạng 2G tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK vẫn sẽ được duy trì. Ảnh: VT

Tắt sóng 2G để dành tài nguyên cho công nghệ mới

Trước sự phát triển mạnh mẽ của 4G và 5G, các quốc gia đã thực hiện tắt sóng các công nghệ cũ, lạc hậu. Mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G, thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. 

Bộ TT&TT cho biết, để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, một loạt chính sách đã được đưa ra. Theo đó, Từ ngày 1/7/2021, “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” chính thức có hiệu lực, bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. 

Bộ TT&TT đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Theo đó, đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện. 

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT về quy hoạch các băng tần 900MHz/1800MHz, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép lại sử dụng các băng tần 900MHz/1800MHz, nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G only hoạt động trên mạng từ ngày 16/9/2024. Do vậy, đề nghị doanh nghiệp di động cần quyết liệt triển khai mạnh các giải pháp truyền thông, hỗ trợ chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao nói trên, nếu muốn tiếp tục cấp lại các băng tần 900MHz/1800MHz. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G không chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp phải phát triển các trạm thu phát sóng di động đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G và hoàn thành trước tháng 9/2026.

Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK vẫn còn sóng 2G

Chia sẻ về vấn đề này, các nhà mạng khẳng định ủng hộ chủ trương tắt sóng 2G của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn khi công nghệ 2G vẫn có lợi thế phủ sóng ở vùng biển đảo bởi độ phủ sóng rộng, mà các công nghệ 4G chưa thể phủ sóng rộng bằng. Bên cạnh đó, các nhà mạng cần có thêm băng tần thấp là băng tần 700 MHz để phủ sóng biển đảo xa hơn. Trong cuộc họp mới đây với Bộ TT&TT, đại diện VNPT cho rằng khi tắt sóng 2G thì việc phủ sóng biển đảo vẫn là vấn đề thách thức với các nhà mạng.

Trước lo ngại của các nhà mạng, đại diện Cục Viễn thông cho hay, kể từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng sẽ không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G), trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M) hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết thêm, hệ thống thông tin di động 2G được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/9/2026, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Hiện có khoảng 2 triệu người khai thác, đánh bắt và làm các dịch vụ trên biển của Việt Nam, trong đó khoảng 70.000 ngư dân đánh bắt xa bờ, những người có nhu cầu liên lạc với đất liền và giữa các tàu trong nhóm với nhau để phối hợp đánh bắt cá. Ngoài ra, họ cần cả những thông tin về dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu nạn để chủ động đối phó thiên tai, địch họa... và mạng di động của các nhà mạng lớn hoàn toàn đáp ứng được điều đó.

Tính đến thời điểm này, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone đều khẳng định đã phủ sóng dọc bờ biển Việt Nam. Trong đó, Viettel tuyên bố đã đạt độ phủ sóng 4G trên 95% vùng bờ biển và đảo Việt Nam. Với công nghệ hiện tại, Viettel có thể phủ sóng các khu vực xa bờ biển lên tới 100km. Với mạng di động 4G Viettel, ngư dân và những người làm các dịch vụ trên biển có thể kết nối sóng để gọi điện, nhắn tin, truy cập Internet khi khai thác trên vùng biển Việt Nam.

Bài 2: Truyền thông là yếu tố then chốt để người dân đồng thuận tắt sóng 2G