Người Việt cần có chính kiến mạnh mẽ hơn về những vấn đề văn hóa đất nước, các cộng đồng của mình, bởi chúng ta mới là chủ thể của nó.

>> Trời tròn đất vuông: Ai nói người Việt kém triết lý?

>> 'Chém lợn', ăn thịt chó mới hợp... truyền thống?

Những tranh luận quanh lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh không mới. Thực tế, các vấn đề kiểu này đã được bàn luận rất nhiều lần trên truyền thông trong thời gian qua. Những khác biệt về văn hóa luôn dẫn đến những tranh cãi.

Tuy nhiên, một điều khá thú vị, đó là những vấn đề về văn hóa của bản thân chúng ta luôn trở thành đề tài “nổi sóng” khi có ý kiến của người “ngoài cuộc”. Chẳng hạn, khi du khách pháp dọa tẩy chay Việt Nam vì thịt chó, hay tổ chức Animals Asia bày tỏ quan điểm nên bỏ lễ hội chém lợn...

Biên giới văn hóa

Có rất nhiều khái niệm khác nhau về văn hóa từng được đưa ra. Từ góc độ không phải nhà chuyên môn về lĩnh vực này, song dựa trên những nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân, tôi nhìn nhận văn hóa trên nghĩa đơn giản nhất là những sản phẩm vật chất, tinh thần do con người sáng tạo và phục vụ cho con người.

Con người, với tư cách là chủ thể văn hóa luôn cố gắng chinh phục và cải tạo tự nhiên. Tuy nhiên, do sự khác biệt về nhân chủng học, địa lý, khí hậu và nhiều yếu tố khác đã khiến cho quá trình trình này có sự khác biệt giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể nói đây cũng là một điểm mấu chốt tạo nên sự đa dạng văn hóa. Ngoài ra, trong một nền văn hóa lớn (văn hóa phổ thông) còn có sự tồn tại của tiểu văn hóa (văn hóa dân gian).

Xu hướng toàn cầu hóa đã giúp cho các quốc gia trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau hơn. Trong một thế giới phẳng, con người có thể thống nhất nói chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ, trao đổi giao dịch với nhau bằng một loại tiền tệ thống nhất, biên giới địa lý đã không còn là một điều trở ngại.

Nhưng vẫn còn đó sự ngăn cách về biên giới văn hóa. Về mặt tích cực, điều này giúp ngăn chặn sự đồng hóa, phai mờ bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia. Tuy nhiên sự khác biệt về văn hóa chính là một nguồn gốc của những tranh cãi và mâu thuẫn, xuất phát từ cú sốc văn hóa khi một cá nhân, hoặc tổ chức chứng kiến, trải nghiệm một sản phẩm/ nền văn hóa có hệ giá trị khác biệt so với của họ.

{keywords}

Tướng cờ làm lễ phất cờ trong lễ hội chém lợn. Ảnh: Hoàng Hà/ Vnexpress

Sự “nhột” của người Việt

Có một điểm đáng lưu ý là hai vấn đề văn hóa, lễ hội chém lợn và thói quen ăn thịt chó, chỉ trở nên thực sự nóng, tạo sự quan tâm của dư luận khi có yếu tố “bên ngoài”.

Năm 2013, bài viết Du khách Pháp dọa tẩy chay Việt Nam vì thịt chó đăng trên Vietnamnet đã tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi. Đến giờ, hiệu ứng này vẫn cháy một cách âm ỉ.

Có thể nói, vị du khách này không thể khiến cho các “tín đồ” thịt chó bỏ món ăn khoái khẩu của mình. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, vị khách ấy đã khiến một số người Việt ngồi suy ngẫm lại văn hóa ăn thịt chó của mình, hay nói cách khác, là góp phần khiến chúng ta cảm thấy “nhột” khi nhắc đến hai từ “thịt chó”.

Tương tự như vậy, việc tổ chức Animals Asia cho rằng “Chém lợn ở Việt Nam là lễ hội tàn bạo nhất” đã khiến cho dư luận một lần nữa ầm ĩ. Dường như tổ chức “bên ngoài” này cũng khiến người Việt Nam cảm thấy “nhột”, như hiệu ứng vị du khách Pháp từng tạo ra.

Việc chúng ta quan tâm, tôn trọng những ý kiến đánh giá về văn hóa nước nhà của các nhân, tổ chức có nền văn hóa khác biệt là điều đáng hoan nghênh và thể hiện sự cầu thị. Tuy nhiên, đặt những ý kiến đó ở vị trí nào lại là chuyện khác. Cũng như chúng ta cần phải tự hỏi là tại sao bản thân những ý kiến, quan điểm xuất phát từ “nội bộ” lại chưa tạo thành động lực mạnh mẽ, mà lại phải chờ “bên ngoài”?

Tôn trọng chủ thể văn hóa

Trở về với lễ hội chém lợn. Các giá trị truyền thống của lễ hội này thuộc tiểu văn hóa của người dân làng Ném Thượng, do đó nên nhìn nhận một cách cẩn trọng và phù hợp khi đối chiếu, so sánh giá trị văn hóa của nó đối với văn hóa đại chúng. Không nên áp đặt văn hóa của mình khi nhìn nhận và phán xét một nền văn hóa khác, bởi vô hình trung nó sẽ tạo nên sự “áp bức” về văn hóa, gây hiệu ứng không tốt cho cộng đồng sống trong tiểu văn hóa.

Hơn thế nữa, bản thân người dân Ném Thượng, chủ nhân của lễ hội trên đã lên tiếng mong muốn nó tiếp tục diễn ra theo truyền thống, để mang lại may mắn, lộc đầu năm cho tất cả mọi người. Như vậy, liệu có bất hợp lý khi chúng ta, những người ngoài cuộc, sống trong một nền văn hóa khác biệt với họ lên án, cấm đoán lễ hội trên?

Suy cho cùng văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra, nhằm phục vụ cho con người trong một bối cảnh xã hội nhất định. Do đó, những giá trị văn hóa nào không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại sẽ bị đào thải, loại bỏ.

Tuy nhiên, quá trình trên phải được thực hiện bởi chính chủ thể sáng tạo ra văn hóa đó. Việc cấm đoán, can thiệp thô bạo vào văn hóa sẽ khiến cho nền văn hóa trở nên khuyết tật, yếu kém và chính cộng đồng sống trong nền văn hóa ấy chịu đựng sự thiệt thòi.

Quá trình giải quyết sự khác biệt về văn hóa cần được tiến hành theo cách thức tôn trọng sự khác biệt giữa hai bên, thay vì xu hướng vị chủng (cho rằng văn hóa của mình cao hơn văn hóa khác).

Đã đến lúc, người Việt cần có chính kiến mạnh mẽ hơn về những vấn đề văn hóa của bản thân đất nước, các cộng đồng của mình, bởi chúng ta mới chính là chủ thể của nó. Chừng nào chúng ta tiếp tục chỉ thực sự thấy “nhột” vì nhận xét của cá nhân/ tổ chức nào đó đến từ nền văn hóa khác, thì đó chính là dấu hiệu của một nền văn hóa nội lực yếu, dễ bị xâm thực bởi văn hóa bên ngoài.

Hữu Tri