Hiện giờ vẫn chưa có thống kê đầy đủ về những tác giả, tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đủ thấy rằng đây là con số rất lớn. Viết về Bác, nghĩ về Bác mỗi người chúng ta đều thấy cháy trong tim lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương đất nước. 

Những bài thơ viết về Bác dù là của các nhà thơ chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều thể hiện “muôn vàn tình thân yêu” dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc, ca ngợi công lao của Người đối với non sông bằng tình cảm chân thành nhất. 

Nhà thơ Vũ Cao có câu thơ rất hay: 

“Người là quê hương, là tình yêu đất nước

 Người lại là thơ mang biết mấy tâm hồn”. 

Hồ Chủ tịch vừa là biểu tượng của hồn thiêng sông núi, vừa là đề tài bất tận của thi ca. Đứng trước nguồn tư liệu đồ sộ như vậy, những người làm cuốn sách buộc phải tuyển chọn dựa trên hai tiêu chí: đảm bảo về mặt nội dung và tiêu chí nghệ thuật. Thơ phải hay, phải thể hiện tình người, tình đồng chí, tình cảm dân tộc với hình thức cao đẹp nhất. Nếu cảm xúc dành cho Bác không thể hiện bằng ngôn từ nghệ thuật thì không thể lựa chọn được.

“Nơi mẹ sinh con ra nơi Bác từng qua

Năm tháng ấy bây giờ con mới rõ

Tóc mẹ bạc rồi, những năm đói khổ

Kinh đô đau buồn - nơi Bác từng qua

Lớp học nào Người đã đến ngồi đây

Những mùa thu im lìm lá đổ

Như vùi sâu cả bầu trời xứ sở

Xuống dòng sông nức nở khúc Nam ai…”

(Nơi Bác từng qua - Nguyễn Khoa Điềm)

Bài thơ đầu tiên về Bác Hồ có tựa đề Hồ Chí Minh của Tố Hữu được viết vào ngày 26/8/1945, trước ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập một tuần lễ. Dù chưa một lần gặp Bác, nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết đã bằng trí tưởng tượng của mình vẽ ra chân dung vị lãnh tụ như một chiến sĩ can trường trong đoàn quân anh dũng:

“Hồ Chí Minh

Người đã quyết

Mặc phong ba, giá tuyết

Mặc gươm súng, xiềng gông

Làm tên quân cảm tử đi tiên phong

Đánh trăm trận, thề trăm phen quyết thắng…”

Tố Hữu là nhà thơ viết nhiều, viết hay về Bác, góp phần thể hiện nên bức chân dung hoàn chỉnh về Hồ Chủ tịch. Ông giống như một nhà nhiếp ảnh, dùng ngôn từ phản chiếu về Bác từ các góc độ, qua nhiều lớp, vỉa thời gian.

Những nhà thơ khác như: Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Minh Huệ… ngay từ kháng chiến chống Pháp đã có nhiều bài thơ viết về Người rất xúc động. Họ không thần thánh hình tượng hóa mà phản ánh cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của Bác rất giản dị và gần gũi.

Nhiều bài thơ của các tác giả nước ngoài như vượt mọi khoảng cách địa lý thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn kính của bạn bè thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Bởi vì lòng Người héo hon khi nắng hạn

Với ruộng đồng chết khát năm lại qua năm

Và Người mang cấy lại trên lòng mình

mỗi cây lúa chết ngạt vì lụt nước trắng bờ

Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ…”

(Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ - Félix Pita Rodriguez, Cu Ba)

Ảnh: Linh Đan

Vào cõi Bác xưa do hai tác giả Nguyễn Huy Hoàng và Trần Hậu tuyển chọn thể hiện sự biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại, là sự gửi gắm tình cảm sâu nặng của nhiều thế hệ “yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”. Hàng trăm bài thơ như muôn vàn sợi tơ vàng đã dệt nên bức chân dung hùng vĩ của Người với những giá trị cao đẹp trong truyền thống giữ nước và dựng nước.

Bìa sách được trình bày trang trọng nổi bật với bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ký họa trên nền đỏ thẫm, ẩn chìm là những bông sen tượng trưng cho sự thanh cao. Không bùn không có hoa sen; không có hành trình cứu nước đầy gian truân, trải qua muôn vàn khó nhọc không thể hun đúc nên con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hiện sống và làm việc tại Liên bang Nga. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị, đã được xuất bản tại Việt Nam là: Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, Thi pháp truyện ngắn N. Gogol, Mưu sinh, Ngoảnh lại, Phía bên kia trời, Nhật ký Đặng Thùy Trâm (dịch sang tiếng Nga), Đợi anh về - Tuyển tập thơ Chiến tranh Vệ quốc, Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (dịch từ tiếng Nga).