Không ít ý kiến cho rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng, tư duy logic và kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử, tạo các nhóm sở thích giao tiếp xã hội.

Lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho game là không thỏa đáng

Ngày 17/4, VCCI đã có văn bản góp ý về xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có phần áp thuế này với game online.

Văn bản góp ý của VCCI cho rằng, không nêu tác động tiêu cực của việc chơi game mà đưa ra lý do đánh thuế là vì “Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.” Việc sử dụng căn cứ là doanh thu, lợi nhuận, nhóm khách hàng để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một loại hàng hoá, dịch vụ là không thoả đáng.

Trò chơi điện tử trực tuyến có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực đến sức khoẻ con người và xã hội. Có nhiều nghi ngại về tác động tiêu cực của trò chơi điện tử, đặc biệt là đối với trẻ em như mất thời gian, sao nhãng học hành, hại mắt, ít vận động… Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng, tư duy logic và kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử, tạo các nhóm sở thích giao tiếp xã hội.

Game cũng giống như các hình thức giải trí khác, tác động tích cực hay tiêu cực phụ thuộc rất nhiều vào nội dung của từng game cụ thể. Trong khi đó, chính sách thuế rất khó có thể phân loại được nội dung game. Điều này dễ dẫn đến việc đánh thuế cả vào những game có nội dung giáo dục, thể thao, nghệ thuật.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với online game không thực sự khả thi do sẽ gặp khó khăn khi xác định đối tượng chịu thuế, người nộp thuế và doanh thu chịu thuế với 3 lý do: Thứ nhất, đối tượng chịu thuế trò chơi điện tử trực tuyến sẽ rất khó để phân biệt với với các phần mềm, ứng dụng máy tính khác.

Thứ hai, người nộp thuế sẽ bao gồm nhiều nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khiến cho việc kê khai và nộp thuế gặp nhiều khó khăn. Nếu không có biện pháp hữu hiệu thì việc đánh thuế này sẽ mang tính “bảo hộ ngược”, chỉ tác động đến các game được phát hành trong nước, mà bỏ qua các game nước ngoài có nội dung không được kiểm soát.

Thứ ba, doanh thu của ngành game đến từ người dùng và từ quảng cáo. Nếu chỉ đánh thuế đối với doanh thu từ người dùng sẽ khiến các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất game miễn phí, vốn được trẻ em chơi nhiều hơn người trưởng thành. Nếu đánh thuế cả với doanh thu quảng cáo thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường quảng cáo và đặc biệt khó khăn khi phân biệt quảng cáo trong nước và nước ngoài.

VCCI đưa ra viện dẫn, công nghiệp sản xuất trò chơi điện tử hiện đang là lĩnh vực có tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các trò chơi trên thiết bị di động. Theo thống kê của Bộ TT&TT hiện nay 50% các game phổ biến nhất trên các kho ứng dụng Google Play, Appstore đến từ các nhà cung cấp của Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển nội dung số và xuất khẩu ra toàn cầu. Hiện nay, Bộ TT&TT đang có kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng của Việt Nam với tầm nhìn trở thành công nghiệp nội dung số mũi nhọn và quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Sẽ rất khó để đạt được tầm nhìn đó nếu chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với online game.

Với các lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo chưa bổ sung game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và tiếp tục trao đổi với Bộ TT&TT để có chính sách thống nhất đối với lĩnh vực này.

Nên có chính sách hỗ trợ game phát triển lành mạnh 

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), ngành game là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0

“Ngành game ở đây không phải là ngành chơi game. Rất nhiều người đã có lầm tưởng, định kiến như vậy về ngành này. Ngành game là hệ sinh thái sản xuất game, phát hành game và các hoạt động liên quan đến game. Ở nhiều nước, game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0”, ông Lê Quang Tự Do nói. 

Theo ông Lê Quang Tự Do, thực tế có muốn cũng không thể thu nhiều hơn được, bởi nếu tăng thuế hay có biện pháp siết chặt, các công ty game rất dễ chuyển hoạt động sang nước ngoài. Sau đó, các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục cung cấp sản phẩm xuyên biên giới vào Việt Nam. Trong khi đó, việc ngăn chặn game lậu, xuyên biên giới còn rất khó khăn do tính “phẳng”, không biên giới của Internet. 

Ông Lê Quang Tự Do khẳng định, Bộ TT&TT rất quan tâm và muốn phát triển ngành game, trong đó có những chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành game Việt Nam

Ông Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Vinasa cho biết, có khá nhiều doanh nghiệp game khá thành công nhưng  buộc phải chuyển sang nước ngoài chứ không cung cấp tại Việt Nam; đây cũng là vấn đề lớn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách. 

Bình luận về đề xuất chính sách này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử cho biết, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì người chơi sẽ điều chỉnh hành vi tiêu dùng sang dịch vụ khác tương tự của nước ngoài. Nếu áp thuế thì doanh thu game ở Việt Nam không phải còn là 650 triệu USD nữa mà có thể sẽ giảm đi. Như vậy, sức cạnh tranh ngành game của Việt Nam sẽ giảm. Thực tế chúng ta đang làm kiểm soát tốt về nội dung, nhưng chúng ta sẽ không kiểm soát được dịch vụ xuyên biên giới. Như vậy, chính sách này sẽ kéo dài khoảng cách giữa doanh nghiệp làm ăn chính đáng tại Việt Nam với game lậu.