Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở TQ đã nổi giận vì hành động của Indonesia, cho rằng một nước lớn như TQ mà để nước nhỏ như Indonesia làm "mất mặt". 

Hai ngày sau khi xảy ra vụ việc hải quân Indonesia bắt giữ ngư dân cùng một tàu cá TQ ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ.

Bà tố cáo tàu cá TQ đã bị một số tàu hải quân Indonesia "quấy nhiễu" khiến một tàu cá bị hư hỏng, một thủy thủ trúng đạn bị thương. Một tàu cá khác cùng 7 người trên tàu bị phía Indonesia bắt giữ. 

{keywords}
Tổng thống Indonesia trên tàu chiến đi thăm quần đảo Natuna. Ảnh: straitstimes

Bắc Kinh đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với Jakarta thông qua các kênh ngoại giao, nói Indonesia "vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Luật Biển (UNCLOS) cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đòi Jakarta dừng các hoạt động làm phức tạp tình hình, làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực, giải quyết vấn đề đánh bắt trên biển theo cách xây dựng. 

Nhiều vụ đụng độ xảy ra giữa tàu Indonesia và TQ chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua đã khiến một số thành viên trong chính phủ Jakarta bất bình. 

Họ thúc giục Tổng thống Joko Widodo từ bỏ sự trung lập trong tranh chấp hàng hải ở khu vực, ủng hộ nhiều hơn với các nước láng giềng mà TQ đang tranh chấp chủ quyền hàng hải.

Aaron Connelly, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Lowy ở Sydney cho rằng: "Đội tàu cá của TQ, dù chính quyền bật đèn xanh hay không đang ngày càng tiến xa hơn về phía nam sau khi những ngư trường gần Hải Nam trở nên cạn kiệt. Đây có thể là động cơ chiến lược vì Indonesia tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển ở Natuna còn TQ có thể muốn gửi đi thông điệp rằng họ sẽ không để bị lấn lướt".

Quan sát bên ngoài, tờ Thời báo New York cho hay, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở TQ đã nổi giận vì hành động của Indonesia. 

{keywords}

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tuyên bố nước này sẽ triển khai máy bay chiến đấu F-16 đến quần đảo Natuna

Một người sử dụng viết trên mạng Weibo thậm chí nói bình luận: "Làm sao tự gọi mình là nước lớn và mạnh, lại để một nước nhỏ như Indonesia làm mất mặt?". 

Trong bài báo tương tự đăng trên Times, một người khác bình luận: "Phe hiếu chiến trong quân đội ở đâu? Hãy xuất hiện đi". 

Thay đổi chính sách đối ngoại

Một số nhà phân tích cho rằng, phản ứng mạnh mẽ của Jakarta gần đây thể hiện sự thay đổi trong chính sách đối ngoại giữa nước này với TQ. 

Jakarta có truyền thống giảm nhẹ các vụ việc tương tự diễn ra trong giai đoạn 2010-2013, một phần vì lo ngại Bắc Kinh có thể cắt giảm đầu tư vào Indonesia. 

Tuy nhiên, khi Tổng thống mới lên nắm quyền, ông Joko Widodo đã quyết tâm gây dựng sức mạnh hàng hải cho Indonesia và theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với việc đánh bắt trái phép kể từ năm 2014. 

Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti đã thu hút sự ủng hộ rộng rãi vì hành động quyết trấn áp việc đánh bắt trái phép. Một số người tin rằng, việc ngư dân TQ tiếp cận vùng biển của Indonesia là có chủ đích nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ mà Bắc Kinh đưa ra. 

{keywords}

Đưa hệ thống phòng không Oerlikon Skyshield tới Natuna trong nỗ lực củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ quần đảo nằm ở phía nam Biển Đông

Chỉ huy Hạm đội miền Tây của hải quân Indonesia, Achmad Taufiqoerrochman, tin rằng, Bắc Kinh đã "bật đèn xanh" để các tàu cá TQ cố ý xâm nhập lãnh hải.

Một quan chức ngoại giao giấu tên của Mỹ cũng đồng tình: "Đó là xu thế đáng lo ngại khi các tàu cá TQ được tàu tuần duyên hỗ trợ, và được sử dụng như một nỗ lực để khẳng định yêu sách chủ quyền bất hợp pháp". 

Sau vụ chạm trán mới nhất, cuối tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chủ trì cuộc họp nội các cấp cao trên một tàu chiến khi ông tới thăm quần đảo Natuna trong nỗ lực khẳng định chủ quyền một cách mạnh mẽ trước những cáo buộc từ TQ.

Có lẽ, Jakarta đủ khả năng "chơi cứng" với Bắc Kinh trong khi TQ lại ở tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tòa trọng tài quốc tế sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện TQ vì yêu sách chủ quyền thái quá của Bắc Kinh. 

Nếu Bắc Kinh thua trong vụ kiện của Philippines, và nếu tiếp tục để tàu cá xâm nhập sâu hơn ở những nơi họ gọi là "ngư trường truyền thống" thuộc EEZ của Indonesia thì Jakarta có thể làm tương tự như Manila, nghĩa là kiện TQ ra tòa quốc tế, tiếp tục khiến hình ảnh và vị thế pháp lý về "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh thêm suy yếu.

Thái An (Theo nationalinterest)