Họ chạy khỏi một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, mà phương Tây chủ trương
không có bất cứ một sự dính líu nào về chính trị hoặc quân sự. Họ chạy khỏi một đất nước, mà liên quân do NATO dẫn đầu đã
chiến đấu suốt hơn 1 thập niên.
TIN BÀI KHÁC:
Syria và Afghanistan là hai câu chuyện báo động trong thời đại ngày nay. Các cuộc chiến tranh cũ chưa kết thúc. Các cuộc chiến tranh mới ngày càng tồi tệ hơn.
Dù các cường quốc thế giới làm hay không làm gì thì ngày càng nhiều người Syria và Afghanistan vẫn chọn cách đặt chính tương lai của mình vào tay họ. Người dân hai nước này là hai nhóm lớn nhất trong dòng di dân khổng lồ đang kéo tới châu Âu.
Di dân kẹt ở Salzburg sau khi các chuyến tàu giữa Đức và Áo ngừng chạy. (Ảnh: Reuters) |
Và cuộc khủng hoảng di dân hiện nay đang phát đi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung: "Các ngài đã thất bại".
Cách đây 30 năm, buổi hòa nhạc Live Aid đã được các nhạc sĩ trên thế giới tổ chức để quyên tiền cho các nạn nhân của nạn đói ở Ethiopia. Còn ngày nay, người ta không chờ viện trợ đến với mình mà chủ động đi tới một nơi tốt hơn cho bản thân - bất kể được mất những gì.
Và vì lượng di dân ngày một đông lên, cuộc khủng hoảng bắt đầu làm thay đổi sắc thái chính trị và đường lối giải quyết.
Số người Iraq chạy trốn xung đột ngày càng nhiều. Người Eritrea cũng lũ lượt rời bỏ quê quán. Người Somalia thi nhau chạy loạn còn người Pakistan cũng cố tìm đường lánh thân. Tất cả họ bất chấp nguy hiểm vượt Địa Trung Hải, len lỏi qua các đường biên giới để đến được Bắc Âu với khát vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh và Canada tuyên bố rõ ràng họ chỉ tiếp nhận người Syria, có thể vài nghìn hoặc vài chục nghìn người.
"Thật không công bằng", Sami Khazi Kani nói, khi anh đứng đợi đến lượt mình vượt qua rào chắn thép cuối cùng do cảnh sát Hy Lạp kiểm soát. Cách đây một thập niên, anh đã cố xin tị nạn ở Anh nhưng thất bại. Khi bị trục xuất về Afghanistan, rủi ro và nguy hiểm với Kani càng lớn khi anh làm nghề phiên dịch cho quân đội Mỹ. Và giờ, người đàn ông này lại tìm cách tới phương Tây.
"Taliban đang giết chúng tôi, Taliban đang bắt cóc chúng tôi", anh nói một cách cay đắng. "Nhưng truyền thông chỉ đưa tin về những gì đang xảy ra ở Syria".
Trẻ em Syria và Afghanistan đang chơi ở một sân chơi dựng tạm. (Ảnh: BBC) |
Trước khi khủng hoảng nổ ra, các cơ quan viện trợ lớn trên thế giới đã liên tục cảnh báo rằng, hệ thống nhân đạo toàn cầu đang ở mức khó trụ nổi, oằn mình trước sức nặng của Syria cùng các cuộc xung đột khác ở CH Trung Phi, Nam Sudan, Iraq...
"Chia sẻ gánh nặng" là một từ thông dụng trong giới viện trợ nhiều tháng qua, với ngày càng nhiều người kêu gọi các nước Vùng Vịnh giàu có hãy hành động nhiều hơn nữa và các quốc gia trên khắp thế giới cùng chung tay góp sức. Nhưng dù một số nước đang làm nhiều hơn và cho đi nhiều hơn thì ngay cả các chiến dịch trợ giúp có uy tín nhất cũng đang cạn kiệt tiền mặt.
"Đừng nói là không có giải pháp cho những gì được gọi là cuộc khủng hoảng do con người gây ra", Jan Egeland - Giám đốc Hội đồng Tị nạn Na Uy - nói với phóng viên BBC. "Có hơn 190 quốc gia trên thế giới".
Giờ đây, có một đề nghị về hạn mức ràng buộc giữa các nước EU để chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận 160.000 người tị nạn, chủ yếu từ Syria. Nhưng đề nghị này có vẻ khó thực hiện.
Vì vậy, khi các chính trị gia châu Âu nói rằng mọi người phải ở đúng nơi của mình, để được giúp đỡ gần nhà hơn thì những lời nói đó trở nên rỗng tuếch. Các nước như Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ - đang chứa phần lớn người tị nạn Syria - cũng đã "căng như dây đàn".
Cảnh sát Hy Lạp đang kiểm soát hàng rào ngăn người di cư. (Ảnh: BBC) |
Và trong khi nhiều tổ chức còn đang nghiên cứu một "lộ trình cho hòa bình" trong nỗ lực khuyến khích các bên liên quan ngồi vào đàm phán thì người Syria - lo lắng viện trợ sẽ cạn kiệt và đối mặt với vô vàn rủi ro đe dọa - đang tự triển khai hành trình và nhóm của chính mình: Họ truy cập Google Map để vẽ hành trình tới châu Âu và các nhóm Facebook thì nhận lời khuyên từ những người đi trước. Nhiều người từ nhiều nơi khác nhau tham gia cùng với họ.
"Bạn có chắc mình được cho tị nạn không?", phóng viên BBC hỏi một người đàn ông Iraq trẻ tuổi đến từ Baghdad đang mệt mỏi sau chuyến đi 10 ngày tới miền bắc Hy Lạp. "Tôi chắc", anh trả lời tự tin trong một đêm tối lạnh trời mưa. Người đàn ông này dùng một tấm nhựa được các tình nguyện viên địa phương phát cho để che đầu, và vội vã bắt kịp nhóm người đang tìm đường tới biên giới tiếp theo.
Một khẩu hiệu từng được cất lên thời kỳ Mùa xuân Ảrập dường như lại vang lên lần nữa. "Quyền lực của dân chúng lớn hơn những người nắm giữ quyền lực". Nhưng bài học được rút ra ngay từ đầu là những ai nắm quyền vẫn có khả năng quyết định cơ hội thành công hay thất bại của dân chúng.
Thanh Hảo