Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, mục đích ban hành hộ tiêu chí trường học hạnh phúc nhằm xây dựng, phát triển mô hình trường học hạnh phúc dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người, cụ thể là kết nối với bản thân, kết nối với người khác và kết nối với thế giới tự nhiên.
Xây dựng trường học hạnh phúc là góp phần nâng cao hạnh phúc của học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh. Thông qua đó, cải thiện kết quả học tập của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của cơ sở giáo dục.
Việc ban hành bộ tiêu chí cũng giúp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, thân thể cán bộ giáo viên, học sinh…
Vì vậy Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu hàng nghìn trường học gồm các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục ngoài công lập (trường tư thục, trường nhiều cấp học, trường có vốn đầu tư nước ngoài); các trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm GDNN – GDTX; các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện chương trình GDTX cấp Trung học phổ thông (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục) xây dựng kế hoạch trường học hạnh phúc.
Các trường xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục về mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng trường học hạnh phúc. Quá trình thực hiện phải đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, không mang tính hình thức, thành tích.
Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân uy tín thực hiện các buổi chuyên đề để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm, mời chuyên gia tư vấn, nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của cán bô, giáo viên, nhân viên trong lao động nghề nghiệp, về trường học hạnh phúc.
Bên cạnh đó, các trường phải tổ chức tọa đàm cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về trường học hạnh phúc, về sự đồng cảm, khoan dung, xây dựng mối quan hệ tích cực, sáng tạo, hình thành và phát triển khả năng, kĩ năng, sẵn sàng hợp tác, phát triển tối đa năng lực, sở trường của bản thân; thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường.
Các cơ sở giáo dục tổ chức đối thoại, giải đáp, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử sư phạm với giáo viên, học sinh trên cổng thông tin điện tử của trường và các diễn đàn giáo dục.
Đưa giáo dục học tập, cảm xúc, xã hội và đạo đức vào giảng dạy cho học sinh, đồng thời, tổ chức thực hiện các hoạt động như: thực hành lòng biết ơn, nâng cao lòng trắc ẩn, tỉnh thức... để gia tăng cảm nhận hạnh phúc học sinh, giáo viên.
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu tổ chức xây dựng các tư liệu về “xử lý tình huống sư phạm”, các câu chuyện đạo đức, về truyền thống tôn sư trọng đạo, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống,... phục vụ cho công tác thông tin, truyền thông và hỗ trợ cán bộ giáo viên trong ứng xử sư phạm…