Theo Defence Blog, trong ngày 29/11, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh pháo binh nước này bắn nổ hệ thống phòng không Tor-M2 của Nga. Cuộc tập kích do Lữ đoàn Sơn cước Số 128 thực hiện tại tiền tuyến Zaporizhzhia.

Đại diện lữ đoàn Số 128 cho biết, họ đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) trinh sát Shark để tìm ra hệ thống phòng không của đối thủ. Sau khi xác định được vị trí chính xác, pháo binh Ukraine đã khai hỏa để bắn nổ hệ thống Tor-M2. Quân đội Ukraine tiết lộ, Nga đã tổn thất khoảng 36 tổ hợp Tor-M2 kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

Pháo binh Ukraine bắn nổ hệ thống phòng không Tor-M2 của Nga. Video: X

Tor-M2 là hệ thống phòng không được sản xuất bởi tập đoàn Almaz-Antey, được coi là một trong những phương tiện phòng không hiện đại nhất mà quân đội Nga đang sở hữu.

Trong trạng thái chiến đấu, Tor-M2 chỉ mất 1 đến 3 giây để phản ứng với các mục tiêu trên không, kể cả các mục tiêu nhỏ và bay ở độ cao thấp như UAV. Radar của hệ thống phòng không này có thể theo dõi cùng lúc 144 mục tiêu ở phạm vi 32km.

Cùng ngày, quân đội Ukraine cũng công bố đoạn video ghi lại cảnh pháo binh nước này sử dụng hệ thống tên lửa HIMARS để bắn hạ một tổ hợp phòng không Buk-M2 của Nga. Cuộc tập kích diễn ra tại vùng Kherson, thời gian cụ thể không được tiết lộ. Tính từ tháng 2/2022, Nga đã mất khoảng 50 hệ thống Buk.

Pháo binh Ukraine bắn hạ hệ thống phòng không Buk-M2 của Nga. Video: X

Buk "cây sồi" là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung. Kể từ khi được đưa vào biên chế năm 1979, hệ thống này đã được cải tiến nâng cấp liên tục với các phiên bản mới nhất mang tên Buk-M1, Buk-M2, Buk-M3.

Một tiểu đoàn Buk đầy đủ bao gồm 1 xe chỉ huy, 1 radar trinh sát và 6 xe phóng tên lửa, mỗi xe có 4 quả tên lửa ở trạng thái sẵn sàng, 4 quả dự trữ. Radar của tổ hợp Buk-M2 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 120km, cho phép khoá đồng thời 4 mục tiêu trong khi đang theo dõi 24 mục tiêu khác. Tên lửa của tổ hợp này có tầm bắn tối đa 35km, mỗi quả được trang bị đầu đạn nổ nặng 70kg.