Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bị đình chỉ chức vụ sau khi ít nhất 12 thành viên trong đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội ông, trong bối cảnh ông nhất quyết từ chối từ chức. Tuy nhiên, số phận của chính khách này hiện vẫn chưa được định đoạt.
Quãng đường dài tới luận tội chính thức
Theo CNN, cuộc bỏ phiếu thông qua đề xuất luận tội của Quốc hội Hàn Quốc hôm 14/12 chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình dài và đầy thách thức nhằm chính thức chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của ông Yoon. Động thái tiếp theo phụ thuộc vào Tòa án Hiến pháp, cơ quan hiện có tới 180 ngày để quyết định nên duy trì hay bác bỏ cuộc bỏ phiếu luận tội. Trong thời gian chờ đợi, Thủ tướng Han Duck-soo đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống.
Tòa án đã nhóm họp lần đầu tiên để thảo luận về vụ án của ông Yoon hôm 16/12 và công bố kế hoạch tổ chức phiên xử sơ bộ đầu tiên vào ngày 27/12. Tòa tuyên bố sẽ coi vụ án này là "ưu tiên hàng đầu" trong số nhiều vụ luận tội do phe đối lập thúc đẩy nhằm chống lại chính quyền ông Yoon, bao gồm cả nhắm vào Bộ trưởng Tư pháp, các công tố viên và những quan chức cấp cao khác.
Năm 2016, Tòa án Hiến pháp mất 3 tháng để đưa ra quyết định bãi nhiệm Park Geun-hye, nữ lãnh đạo và tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất khỏi chức vụ thông qua luận tội. Bà Park đã bị kết án 20 năm tù giam vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực, nhưng sau đó được ân xá.
Một tổng thống tiền nhiệm khác - Roh Moo-hyun đã vượt qua thách thức luận tội năm 2004 khi Tòa án Hiến pháp bác bỏ động thái này sau 2 tháng cân nhắc. Ông Roh về sau vẫn tiếp tục giữ chức tổng thống hết nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Lần này, việc Tòa án Hiến pháp cân nhắc tương lai của ông Yoon sẽ trở nên phức tạp hơn do một yếu tố khác. Tòa án gồm 9 thành viên hiện chỉ có 6 thẩm phán, vì sự chậm trễ trong việc lấp đầy 3 vị trí trống do các thẩm phán đã nghỉ hưu để lại.
Theo Hiến pháp của đất nước, việc luận tội sẽ chính thức diễn ra khi ít nhất 6 thẩm phán phê chuẩn quá trình đó. Điều này đồng nghĩa, mọi thẩm phán hiện tại của tòa sẽ đồng loạt bỏ phiếu nhất trí ủng hộ việc luận tội để chính thức bãi nhiệm ông Yoon, trừ khi có thẩm phán mới lấp đầy những vị trí còn trống trong các tuần tới. Đảng cầm quyền PPP và các đảng đối lập đang đặt mục tiêu bổ nhiệm 3 thẩm phán còn khuyết thiếu vào cuối tháng này.
Nếu Tòa án Hiến pháp duy trì việc luận tội, ông Yoon sẽ trở thành tổng thống nắm quyền ngắn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Đất nước sau đó sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử sớm trong vòng 60 ngày để tìm người thay thế ông.
Hàng loạt cuộc điều tra về cáo buộc nổi loạn
Mặc dù Tổng thống Yoon đã bị đình chỉ chức vụ, nhưng ông vẫn chưa chính thức bị cách chức. Điều đó có nghĩa, ông vẫn có quyền miễn trừ của tổng thống đối với hầu hết các cáo buộc hình sự, ngoại trừ tội nổi loạn hoặc phản quốc.
Cảnh sát, quốc hội, bên công tố và một cơ quan chống tham nhũng của Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ đối với ông Yoon về cáo buộc phản quốc liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật trong thời gian ngắn tối 3/12.
Một nhóm điều tra chung bao gồm cảnh sát, một cơ quan chống tham nhũng và Bộ Quốc phòng đã cáo buộc ông Yoon lạm dụng quyền lực và "cầm đầu cuộc nổi loạn", một tội danh có thể phải chịu án phạt tù chung thân hoặc tử hình. Một quan chức tiết lộ với truyền thông rằng, hôm 16/12, nhóm điều tra này đã cố gắng gửi thông báo yêu cầu ông Yoon ra trình diện thẩm vấn vào ngày 18/12, nhưng văn phòng tổng thống đã từ chối chuyển yêu cầu.
Trước đó, hôm 15/12, ông Yoon đã phớt lờ lệnh triệu tập thẩm vấn của các công tố viên đang tiến hành một cuộc điều tra riêng rẽ. Bên công tố đã đưa ra yêu cầu lần 2 vào ngày 16/12, nhưng không công khai thời điểm ông Yoon phải trình diện.
Tuần trước, Oh Dong-woon, người đứng đầu Văn phòng điều tra tham nhũng cấp cao của Hàn Quốc thông báo cơ quan này sẽ tìm cách bắt giữ ông Yoon nếu các điều kiện đáp ứng. Cùng ngày, cảnh sát đã cố gắng đột kích văn phòng tổng thống nhưng bị chặn không cho vào.
Hiện không rõ ông Yoon rốt cuộc có lâm vào tình cảnh tương tự cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, người bị các công tố viên bắt giữ tuần trước vì cáo buộc đã đề xuất tổng thống áp thiết quân luật và phải từ chức vì bê bối này. Ông Kim thậm chí đã cố gắng tự sát trong trại giam.