Những chuyến tàu ra thăm đảo đã kéo gần hơn khoảng cách giữa đảo với đất liền. Đồng bào mà không ra đảo, sao hiểu được cái mặn mòi, nắng gió nơi đảo xa; Tướng mà không đi biển thì làm sao hiểu được nỗi lòng người lính lúc cô đơn.
Gạc Ma: Trang sử bi tráng không được phép lãng quên
Không có gậy thần, nhưng Việt Nam có Cam Ranh
Tàu KN490 (Kiểm ngư) cập bến Cát Lái (Sài Gòn) chiều 28-4, cả đoàn chúng tôi được Bộ Tư lệnh Hải quân mời bữa trưa rất ngon và đầm ấm. Dường như khách đi biển lâu ngày không được “dzô dzô” nên bữa đó thấy liên tục âm thanh này.
Chuyện của Chuẩn Đô đốc Hải quân
Tôi tới bàn của Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái và chị Thúy (Lê Minh Thúy) là phu nhân mời chén rượu, dù chẳng biết uống, cảm ơn đoàn đã tổ chức chuyến đi thật chu đáo và an toàn, nhân thể tặng cái USB có video clip về chuyến đi.
Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái và phu nhân. Ảnh Hiệu Minh |
Về khách sạn mới nhớ ra trong USB có file đang nháp về cuốn album gia đình, vội gọi lại cho chị Thúy, thế là chị nói để sáng mai anh chị mời café để trả lại. Mừng húm, bỗng nhiên được gặp Chuẩn Đô đốc Hải quân.
Trong thường phục, sơ mi cộc tay trắng, không còn áo cầu vai của hải quân, không có mũ, trong quán café, Chuẩn Đô đốc Thái trẻ hơn nhiều, nhanh nhẹn như thanh niên, ngồi bên phu nhân rất xứng đôi. Mình đùa, chị nhà phải cẩn thận, đừng sắm quần áo cho anh ấy, nguy hiểm vì ngoài chuyện trẻ trung, anh Thái nói chuyện rất có duyên.
Lúc dặn dò 200 vị khách trước khi đi Trường Sa, Chuẩn Đô đốc dặn mọi người phải tuân thủ qui định của đoàn, không tự tiện tắm biển vì sóng ở các đảo có vẻ yên bình nhưng thực chất ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Năm trước có vài vị không nghe đã vi phạm, có cả vị sư thích biển quá cũng nhảy xuống tắm, làm hội trường cười rộ.
Chuẩn Đô đốc từng du học quân sự ở Liên Xô những năm 1976-1982, về giảng dạy ở Học viện Hải quân Nha Trang một thời gian, sau về Hà Nội giảng dạy ở Học viện Quốc phòng cho sỹ quan cao cấp, nên những câu chuyện chứa hàm lượng tri thức, nhất là khi nói về biển đảo về hải quân.
Trên boong tầu, đôi lúc thủ trưởng chơi cái quần sooc, làm cặp kính đen đứng lẫn trong nhóm khách phương xa nên nghe được ối chuyện.
Những thông điệp về biển đảo
Đoàn Việt kiều ra thăm đảo. Ảnh: Hiệu Minh |
Trong hành trình, có du khách nhìn thấy đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và đang gấp rút xây dựng đảo nhân tạo đã có ý ngầm so sánh. Anh Thái dí dỏm đưa ra môt sự so sánh, nếu mỗi người dân đóng 1$, thì đất nước 1,5 tỷ dân , sẽ thu được số tiền nhiều gấp hơn chục lần so với nước chỉ có 90 triệu dân. Nói như thế để đừng có “bức xúc” vì sao ta không “hoành tráng” bằng người ta.
Ngoài ra, Việt Nam tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Trung Quốc dù cậy mạnh, hành xử ngang ngược sẽ phải đối đầu với sự phản đối của quốc tế. Cứ bình tĩnh đâu có đó. Nghe được điều này, nhiều người trong đoàn đã yên tâm hơn.
Trong buổi tổng kết về chuyến đi Trường Sa tại cửa biển Vũng Tàu, Chuẩn Đô đốc đã tâm sự cảm nghĩ của mình khi chứng kiến một câu chuyện đáng buồn. Trong lần tầu rời khỏi một nhà giàn DK1, thấy các anh lính hải quân đứng trên nhà giàn lưu luyến vẫy tay mãi không thôi, một vị đứng trên tàu buột miệng, có nhiều quà thế thì làm chi mà không cảm động. Thật không may, Chuẩn Đô đốc Thái đứng ngay cạnh và nghe được.
Anh thẳng thắn nói về việc tổ chức cho người dân ra thăm Trường Sa nhằm mục đích động viên cán bộ, chiến sĩ ngoài hải đảo, để người dân hiểu hơn về chủ quyền biển đảo và hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta.
Đoàn Việt kiều ra thăm đảo. Ảnh: Hiệu Minh |
Những chuyến tàu ra thăm đảo cũng như kéo gần hơn khoảng cách giữa đảo với đất liền, giữa người dân với chiến sĩ hải đảo, vì thế tình cảm, tấm lòng của bà con đem tới đảo xa là vô giá, rất đáng trân trọng.
Nhưng cái được vô hình không thể so với số tiền hữu hình nhà nước bỏ ra, bởi những thông điệp về hải đảo được hiểu đúng có giá trị hơn nhiều, nhất là trong cộng đồng kiều bào xa nhà và ít thông tin.
Trong buổi tổng kết anh Thái nói lại cho rõ, việc thay đổi cuộc sống của chiến sỹ trên đảo cần sự cố gắng từ nhiều phía.
Đối với kiều bào, ngoài đóng góp vật chất, tiền bạc, sự cố gắng tới vô cùng, thì tấm lòng chân thành của từng người, sự hiểu biết về biển đảo, rồi quay về với cộng đồng để giải thích những điều mắt thấy tai nghe, sẽ làm cho giá trị gia tăng của những gói quà từ khắp năm châu.
Khi tầu KN490 thăm một nhà giàn DK1, văn công lên biểu diễn rồi quay về. Lính ta nhớ quá gọi qua bộ đàm, các anh ơi, cho chúng em nghe thêm một bài của các chị văn công. Thế là ca sỹ hát qua bộ đàm, lính nghe chắc rưng rưng nỗi nhớ nhà, người nghe trên tầu cũng rơi lệ. Tướng không đi biển thì làm sao hiểu được nỗi lòng người lính lúc cô đơn.
Tôi từng đến Annapolis, thủ phủ của tiểu bang Maryland cách Washington DC khoảng 80km, nơi có Học viện Hải quân Hoa Kỳ nổi tiếng. Quanh khu đó là những biệt thự đẹp, rộng mênh mông và sang trọng, được giới thiệu đó là nơi các vị Đô đốc, sỹ quan cao cấp và gia đình ở. Tôi chẳng nghĩ có lúc nào đó vì trả cái USB mà họ mời tôi đi café, ăn sáng và trả tiền như Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái và phu nhân.
Chuyện trò mãi không thôi, nhưng anh Thái và phu nhân có cuộc gặp khác phải về. Đành hẹn một dịp khác. Một buổi sáng café ở Sài Gòn đáng nhớ.
Hiệu Minh
Gạc Ma: Trang sử bi tráng không được phép lãng quên
Không có gậy thần, nhưng Việt Nam có Cam Ranh
Dã tâm của Trung Quốc và bài học xương máu Gạc Ma