Hơn 40.000 vụ lừa đảo chỉ trong 6 tháng

Theo báo cáo mới nhất từ hãng phần mềm bảo mật Kaspersky, Thái Lan là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á với số vụ lừa đảo tài chính cao nhất (141.258 vụ); tiếp theo là Indonesia (48.439 vụ) và Việt Nam đứng thứ ba (với 40.102 vụ). Malaysia đứng ở vị trí thứ tư (38.056 vụ); Singapore và Philippines đứng thứ 5 và 6 với số lượng lần lượt là 28.591 và 26.080 vụ.

Cũng theo báo cáo của Kaspersky, năm 2024 chứng kiến Thái Lan và Singapore có mức tăng trưởng cao nhất trong các vụ lừa đảo tài chính. Cụ thể, số vụ tấn công tại Thái Lan đã tăng 582%, trong khi Singapore ghi nhận mức tăng trưởng 406% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi Việt Nam dù các vụ lừa đảo được kiềm chế nhưng vẫn ở trong Top 3 khu vực cho thấy, lừa đảo qua mạng vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Đi sâu vào các chiêu thức lừa đảo tài chính phổ biến, các hành vi giả mạo các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực thương mại điện tử, ngân hàng, và ứng dụng thanh toán để đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và doanh nghiệp là 2 nhóm bị tội phạm mạng khai thác và lợi dụng nhiều nhất.

Ngoài ra, hình thức lừa đảo mạo danh các tổ chức từ thiện, dụ dỗ nạn nhân quyên góp vào các quỹ giả mạo dù được các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần những vẫn có rất nhiều nạn nhân mắc bẫy, đứng thứ 3 trong danh sách. 

z6117063768301_9c9eca95a8bde8b7095eafd89b09f3d6.jpg
Nhiều người dùng Telegram tại Việt Nam đã bị tin tặc chiếm dụng tài khoản thông qua hình thức nhận tin nhắn “Cảnh báo giả mạo” sau đó dẫn dụ sang các trang cờ bạc trực tuyến.

Điều đáng chú ý, cả 3 nhóm hành vi lừa đảo này ngày càng tinh vi khi tội phạm công nghệ lợi dụng các công cụ thông minh như: trí tuệ nhân tạo (AI); deepfake và tự động hóa (chatbot) để thực hiện hành vi lừa đảo. Chính vì sự khó lường này nên chỉ rong 6 tháng đầu năm 2024, số vụ lừa đảo qua mạng tại Việt Nam gia tăng mạnh. Cụ thể, quý I với hơn 10.200 trường hợp và quý II với gần 11.500 trường hợp; tổng số tiền thiệt hại là hơn 390.000 tỷ đồng, vượt xa so với cùng kỳ năm 2023.

Cẩn trọng khi chơi Telegram

Điều đáng lưu ý trong các hành vi lừa đảo và các ứng dụng được tội phạm mạng sử dụng, cái tên Telegram được các chuyên gia an ninh mạng nhắc đến nhiều lần. Trước đó, hàng ngàn người dùng Telegram tại Việt Nam đã bị tin tặc chiếm dụng tài khoản thông qua hình thức nhận tin nhắn “Cảnh báo giả mạo” hồi giữa năm 2024 đã gióng lên hồi chuông báo động.

Phân tích dưới góc độ kĩ thuật, theo các thành viên Diễn đàn Hacker Mũ trắng (WhiteHat Group), Telegram đang nổi lên là ứng dụng nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng được nhiều người dùng Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, các hình thức lừa đảo trên Telegram diễn ra thường xuyên hơn và chủ đích nhắm tới nhiều tài khoản cá nhân, người dùng khác nhau bởi một lí do khá “tế nhị”, khi nhiều người dùng nhấp vào các liên kết lừa đảo được giăng sẵn dưới hình thức tin nhắn “Cảnh báo giả mạo”.

“Đây cũng là lỗ hổng bảo mật của chính Telegram, cộng thêm sự chủ quan, “nhẹ dạ cả tin” của người dùng, cũng có thể người dùng vẫn còn lạ lẫm với một số tính năng của ứng dụng này, nên dẫn đến việc dễ dàng mắc bẫy và xảy ra những hậu quả đáng tiếc”- chuyên gia của WhiteHat Group nhận định. Theo phân tích của các chuyên gia của WhiteHat, khi người dùng nhận được một vài tin nhắn với User lạ “nặc danh”. 

Thay vì xóa đi (Delete Account) thì nhiều người lại bấm vào link giả mạo và thực hiện các bước liên quan khác, sau đó bị mất tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng mà họ không hề hay biết. Từ khi bị đánh cắp tài khoản, tin tặc dễ dàng tấn công kiểm soát hoàn toàn điện thoại/ máy tính của nạn nhân, đánh cắp thông tin cá nhân, cài đặt phần mềm độc hại và thực hiện các hành vi không thể kiểm soát sau đó (rút tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân, đánh cắp dữ liệu…). 

Thực tế, một trong các lí do khiến lừa đảo trên Telegram trở nên nhức nhối và khó kiểm soát cũng bởi một phần vì người dùng không dám tố cáo. Bởi, bên cạnh các tính năng tốt của mạng xã hội này thì Telegram cũng đang là địa bàn của rất nhiều ổ nhóm tội phạm mạng như cờ bạc trực tuyến, cá độ bóng đá, mại dâm trá hình, giao dịch tiền ảo… nên khi bị tấn công, số tiền bị tin tặc đánh cắp của người dùng thường rất lớn và không có cơ hội lấy lại.