Ngày 22/9 (giờ địa phương), sau khi bấm nút rung chuông khai mạc phiên chứng khoán đầu tiên tại sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ, New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm bàn tròn với một số doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư làm ăn tại Việt Nam

Tại đây, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Mỹ và thế giới tiếp tục đầu tư kinh doanh hợp pháp trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

“Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi về pháp lý, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực; bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư làm ăn tại Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cam kết tạo thuận lợi nhất và luôn luôn lắng nghe thấu hiểu các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà đầu tư trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Sau đó, Thủ tướng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và nhấn mạnh: “Chúng tôi coi trọng sự chân thành, lòng tin và sự hợp tác với tất cả các bạn”.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ bày tỏ muốn nghe các chính sách của Chính phủ Việt Nam thông qua đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như những chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Giải đáp nội dung này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực).

Trong đó, đột phá về thể chế để các nhà đầu tư vào làm ăn chính đáng được pháp luật bảo vệ. Còn đột phá chiến lược về hạ tầng bao gồm cả hạ tầng mềm và cứng; hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, y tế giáo dục, xã hội để nhà đầu tư vào làm ăn kinh doanh giảm chi phí logistics, chi phí tuân thủ thủ tục, có sản phẩm cạnh tranh ra thị trường quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam còn tạo điều kiện cho nhà đầu tư bằng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi và giải trình. Song song đó là cải thiện môi trường đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi công nghệ cao.

"Việt Nam xem khoa học công nghệ là động lực, vừa là nguồn lực phát triển nền kinh tế. Vì vậy Việt Nam thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí, đất đai để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển.

“Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế chưa lớn, độ mở cao, sức chống chịu còn có hạn. Vì vậy chúng tôi luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu để hoàn thiện thể chế, chính sách, ưu tiên phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư”, Thủ tướng cho hay.

Việt Nam phấn đấu để du khách nước ngoài muốn đến và ở lâu hơn

Một doanh nghiệp khác khen Việt Nam rất đẹp, khách du lịch Mỹ rất muốn đến Việt Nam. Ngay bản thân con trai của doanh nghiệp này sau khi tốt nghiệp đại học đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên với một nhận xét “Việt Nam là đất nước rất tuyệt vời”.

Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu chính sách của Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch trong thời gian tới như thế nào?

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xem khoa học công nghệ là một quốc sách hàng đầu ưu tiên nguồn lực khoảng 2% GDP.

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, khoa học công nghệ liên quan đến tất cả lĩnh vực, trong đó có du lịch. Ngoài ra để nâng cao giá trị sản phẩm du lịch cũng cần gắn liền với văn hóa lịch sử.

Thủ tướng chứng kiến lễ ký Ý định thư hợp tác giữa Sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

“Chúng tôi coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm phát triển kinh tế xã hội. Đi du lịch không có văn hóa thì không toàn diện và ngược lại du lịch chỉ văn hóa mà không có dịch vụ như lưu trú, đi lại thì cũng phát triển không toàn diện.

Muốn phát triển du lịch phải phát triển khoa học công nghệ, phát triển văn hóa. Trong đó văn hóa là sức mạnh nội sinh để phát triển du lịch.

“Chúng tôi có bờ biển dài hơn 3.000km, rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng rất nhiều nên phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú khai thác thuận thiên hết sức quan trọng”, Thủ tướng nêu thực tế.

Muốn du lịch phát triển thì đi lại phải thuận tiện, giao thông kết nối. Vì vậy, thời gian gần đây, Việt Nam phát triển giao thông đường bộ, cao tốc, hệ thống sân bay, đường biển, cảng biển nội địa, đường sắt kết hợp nhau để làm sao người du lịch đi lại thuận tiện, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

Thủ tướng cũng thông tin thêm, Việt Nam đang hợp tác với các nước láng giềng để thực hiện “một cung đường nhiều điểm đến” cho du khách.

Một vấn đề nữa cũng được quan tâm là phát triển cơ sở hạ tầng về y tế, chăm lo sức khỏe để người đi du lịch yên tâm; ẩm thực phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo bản sắc văn hóa...

“Chúng tôi phấn đấu để khách đến một lần thì muốn đến hai lần, càng đến lại càng muốn đến và càng ở lâu hơn”, Thủ tướng khẳng định, những yếu tố kể trên cùng sự thân thiện, hiếu khách, cởi mở của người Việt Nam cũng là sản phẩm du lịch thu hút khách nước ngoài.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thông báo tin vui, Việt Nam vừa sửa luật nâng visa điện tử từ 15 lên 45 ngày, cấp cho tất cả công dân các nước trên thế giới, thời gian lưu trú cũng tăng lên so với trước.

Tổng thống Mỹ đã đưa ra thông điệp quan trọng 

Một doanh nghiệp khác thì quan tâm đến chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden có những trao đổi gì đáng chú ý?

Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Mỹ đã đưa ra thông điệp quan trọng và mang tình cảm của người dân Mỹ, đất nước Mỹ đến với Việt Nam.

Thủ tướng phân tích, quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu trong việc khắc phục hậu quả và hòa giải chiến tranh; đi từ chiến tranh, hận thù, bình thường hóa và đến nay trở thành đối tác chiến lược toàn diện, biến thù thành bạn, hợp tác với nhau.

Đây là điều rất quan trọng thể hiện tinh thần “gác lại quá khứ hướng tới tương lại”.

“Tổng thống Mỹ đến Việt Nam theo lời mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy sự tôn trọng thể chế của nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Jone Biden tiếp tục khẳng định “Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường, thịnh vượng”. Hai bên đã ký kết tuyên bố chung, trong đó có kế hoạch hành động cụ thể.

“Chuyến thăm lần này của tôi chính là góp phần cụ thể hóa tuyên bố chung và kế hoạch này. Trong đó, hai bên hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,… như lời ông Joe Biden nói là hợp tác không có giới hạn. Thứ 2 là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư cũng là lĩnh vực quan trọng”, Thủ tướng thông tin.

“Khó khăn nhất của chúng ta đã vượt qua, các công việc khác cần doanh nghiệp, người dân, các ngành, các cấp hợp tác cùng nhau để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thu Hằng (từ New York, Mỹ)